- Ngồi ở phía sau nhưng chốc chốc, bà lại dừng khỏi cuộc trò chuyện với người bên cạnh để dõi theo người chồng của mình. Hơn một lần, tôi thấy bà mỉm cười khi rời mắt đi.
Lễ trao huy chương của Viện Hàn lâm Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp cho Giáo sư sử học Phan Huy Lê diễn ra tại nhà Khánh Tiết của Đại sứ quán Pháp. Ngôi nhà độc đáo nằm trong khuôn viên của tòa đại sứ sau những lối đi nhỏ được lát gạch nổi bật trên nền xanh của những bãi cỏ và tán cây cổ thụ.
Đó là một không gian đậm chất Pháp. Thứ duy nhất mang phong vị của Việt Nam chính là những hàng đèn lồng truyền thống đủ màu nối dài từ đỉnh của tòa Khánh Tiết tới các góc nhà.
Tham dự buổi lễ chỉ chừng hơn hai chục người, hầu hết đều là những gương mặt thân quen của giới sử học và những bạn bè đến từ nước Pháp hoặc từng gắn bó với nước Pháp. Trước, trong và sau buổi lễ, họ hầu như nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.
GS Michel Zink trao huy chương truyền thống của Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp cho GS Phan Huy Lê. Ảnh: Lê Văn |
Dành nhiều lời ca ngợi GS Phan Huy Lê, GS Michel Zink, Thư ký trọn đời của Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp, nói rằng, buổi vinh danh ông Lê như hôm nay không phải điều gì quá đặc biệt vì đã có nhiều tổ chức đã vinh danh vị giáo sư lịch sử của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Michel Zink cho rằng, việc trao huy chương là sự ghi nhận của Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp đối với những đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội của ông Lê. Trên tấm huy chương, một mặt có tên của GS Phan Huy Lê, mặt còn lại là tượng của nữ thần Athena - nữ thần của trí tuệ và sự khôn ngoan.
GS Phan Huy Lê chỉ dành khoảng 2 phút cho phát biểu tại buổi lễ. Ông nói bằng tiếng Pháp, khá mạch lạc và chủ yếu là những lời cảm ơn. Ông cho rằng, vinh dự của ông hôm này là biểu hiện của tình hữu nghị giữa hai nước Pháp - Việt.
Trong buổi lễ có phần thân mật kéo dài chừng hơn nửa giờ, tôi chú ý tới người phụ nữ ở độ tuổi 80 ngồi trên chiếc ghế băng dài đặt dọc bức tường bằng kính của nhà Khánh Tiết.
Có lẽ vì lý do sức khỏe, suốt cả buổi lễ, ngay cả lúc quan trọng nhất là trao huy chương cho GS Phan Huy Lê, bà cũng không hòa vào đám đông những người tham dự.
Những người trẻ như chúng tôi không biết bà là ai. Một vị viện trưởng tuổi chưa tới 40 cũng chỉ khẳng định với tôi về thân phận của người phụ nữ ngồi trên ghế băng sau khi xác nhận lại với một người bạn lớn tuổi hơn mình. Bà chính là phu nhân của GS Phan Huy Lê.
Lúc này, tôi mới để ý, trước buổi lễ, dù tiếp chuyện bạn bè, học trò hay những vị khách đến từ nước Pháp, GS Phan Huy Lê vẫn đứng rất gần vợ mình. Ông chỉ tiến lên khu vực diễn ra nghi lễ trao huy chương khi buổi lễ bắt đầu.
Và sau những lần chạm đầu tiên của ly sâm-panh chúc mừng, vị giáo sư sử học lại quay trở lại khu vực của chiếc ghế băng nơi người vợ đang ngồi. Ông nhận những cái bắt tay và những bó hoa chúc mừng ở đó, bên cạnh người phụ nữ của mình.
GS Phan Huy Lê cùng vợ chụp ảnh chung với Đại sứ Pháp - ông Bertrand Lortholary. Ảnh: Lê Văn. |
Phu nhân của GS Phan Huy Lê cũng là một nhà sử học khá rành tiếng Pháp. Hôm nay, phải có người đỡ mới đứng dậy khỏi ghế được nhưng bà vẫn cười rất tươi khi Đại sứ Pháp, ông Bertrand Lortholary tiến tới chúc mừng và mọi người đề nghị chụp ảnh chung với vợ chồng ông bà.
Người phụ nữ có vóc người nhỏ bé quay trở lại với chiếc ghế của mình khi nhóm phóng viên báo chí quây tròn xung quanh GS Phan Huy Lê, đề nghị ông kể về việc tình cờ phát hiện ra bản thảo viết tay tác phẩm Lục Vân Tiên của người Việt Nam được cất giữ hơn 100 năm ở thư viện Viện Pháp mà không ai biết tới.
Ngồi ở phía sau nhưng chốc chốc, bà lại dừng khỏi cuộc trò chuyện với người bên cạnh để dõi theo người chồng của mình. Hơn một lần, tôi thấy bà mỉm cười khi rời mắt đi.
Phía sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng một người phụ nữ. Đó là một lối nói sáo mòn nhưng lại đúng trong hầu hết các trường hợp. Sự nghiệp sử học của GS Phan Huy Lê ắt hẳn phải được hỗ trợ bởi đôi bàn tay của người phụ nữ đầy hy sinh và nhẫn nhịn như cái cách bà chọn ngồi ở phía sau, lặng lẽ theo dõi từng đường đi, nước bước của ông.
Lê Văn