Theo đó, 15h ngày 4/9, bà N.T.B. (sinh năm 1970, phường Thắng Lợi, TP Sông Công, Thái Nguyên) đến một công ty thiết bị y tế để chữa đau lưng, thoái hóa đốt sống lưng.
Sau khi xung điện khoảng 10 phút, bệnh nhân bất tỉnh. Công ty đã gọi xe taxi đưa bà B. đến Bệnh viện C Thái Nguyên để cấp cứu. Tuy nhiên, khi vào đến viện, người này đã tử vong.
Trao đổi với VietNamNet, Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, công ty trên có địa chỉ tại phường Phố Cò, thành phố Sông Công. Nội dung ngành nghề theo giấy phép kinh doanh là sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng, cụ thể là sản xuất kim châm cứu tiệt trùng dùng một lần.
Sản phẩm của công ty chỉ để xuất khẩu, không sử dụng ở thị trường trong nước. Qua các đợt kiểm tra của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Quản lý thị trường, Phòng Y tế, công ty trên không có hoạt động khám chữa bệnh.
Một loại thiết bị xung điện trị đau mỏi lưng, gáy. Ảnh minh họa |
Sáng 7/9, đoàn công tác của Sở Y tế phối hợp với Phòng Y tế Thành phố và Ủy ban nhân Phường Phố Cò, TP Sông Công đã đến thực tế tại nơi xảy ra vụ việc.
Tại đây, đoàn xác định đơn vị trên không có bất kỳ biển hiệu nào liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại công ty. Toàn bộ khu vực khoảng 300 m2 chia làm 3 khu chỉ gồm xưởng sản xuất, khu bếp nấu ăn.
Ông K. (người Đài Loan), Giám đốc công ty, cho biết, bà N.T.B. đến công ty cuối tháng 7 do người quen giới thiệu. Lúc đó, bà B. chia sẻ bị đau chân, đau tay, đau eo (lưng) nên nhờ ông K. xem giúp.
Ông K. đã dùng thiết bị massage cầm tay (hình chiếc khoan cầm tay, ở đầu hình bầu dục, phần đầu rung/đầm) và 1 thiết bị massage ngồi/nằm (hình chữ nhật, ở giữa có hình bàn chân có chế độ rung) để massage cho bà B.
Đến ngày 4/9, bà B. tiếp tục đến công ty như đã hẹn, cho biết chân và tay đã đỡ nhiều, chỉ còn đau lưng. Bởi vậy, ông K. đã cho bà B. điện xung, dán miếng dán vào lưng, tăng dẫn điện áp lên 20V.
Sau đó, ông K. ra ngoài khoảng 2 phút để gọi phiên dịch vào nói chuyện với bà B. Tuy nhiên, khi ông K. vào, bà B. đã bất tỉnh. Ông K. và nữ phiên dịch đã tiến hành sơ cứu và gọi xe taxi đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện C Thái Nguyên.
Đại diện Bệnh viện C cho biết, thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, mất tri giác. Các bác sĩ tiến hành kiểm tra lại, sơ cứu, chẩn đoán bệnh nhân tử vong ngoại viện.
Đây là lần đầu tiên bà B. dùng máy “điện xung”. Ông K. chỉ giúp mọi người chữa bệnh và không lấy tiền. Chiếc máy “điện xung” mang từ Đài Loan sang từng được ông K. sử dụng nhiều lần, hiện đã được cơ quan công an thu giữ, phục vụ công tác điều tra.
Sở Y tế Thái Nguyên thông tin, qua làm việc với UBND TP Sông Công và xem xét thực tế tại nơi xảy ra vụ việc, đoàn kiểm tra, xác minh của Sở xác định, công ty thiết bị y tế nói trên không có biển hiệu khám chữa bệnh và không có thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.
Hiện vụ việc được cơ quan công an Thái Nguyên điều tra, xử lý.
Nguyễn Liên
Trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong có thể ngộ độc Botulinum
Do môi trường có tính axit, độ ẩm cao, mật ong không được coi là mối “đe dọa” với con người về nguy cơ ngộ độc Botulinum. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại với trẻ dưới 1 tuổi.