Những năm qua, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được thương hiệu của mình khi được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Đến nay, Quảng Ninh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao, như rượu ba kích Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, các sản phẩm từ dược liệu...
Trong đó, địa phương đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia (ngọc trai Akoya, ngọc trai Tahiti, ngọc trai Southsea, trà hoa vàng Quy Hoa), 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, gồm trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, rượu mơ Yên Tử, nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chè giảo cổ lam Đông Bắc 7 lá, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên An đường Đông Bắc.
Tại Quảng Ninh, triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản và đạt được những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động gắn với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), xây dựng nông thôn mới...
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai phong trào "Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Qua đó, giúp người tiêu dùng nhận thức và hiểu đúng về chất lượng của sản phẩm hàng hóa dịch vụ sản xuất trong tỉnh, tin tưởng và lựa chọn ưu tiên sử dụng hàng hóa được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động với nhiều hình thức. Cụ thể: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đưa nội dung Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, "Tuần hàng Việt Nam”; Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến binh tỉnh với phong trào “Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Hội Phụ nữ tỉnh thông qua thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm đến hội viên; Tỉnh Đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về triển khai "Chương trình Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn", BĐBP tỉnh xây dựng chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam”…
Thực tế cho thấy, cuộc vận động đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân trong nước và hướng tới xuất khẩu. Giúp người tiêu dùng nhận thức và hiểu đúng về chất lượng của sản phẩm hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước, tin tưởng và lựa chọn ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam, góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Thành Nam