- Chúng ta có các học viện quản lý, hành chính nhưng thiếu trường đào tạo năng lực làm giám đốc sở, vụ trưởng, thứ trưởng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ với diễn đàn “Người tài, người nhà”.
>> Dân chủ hóa công tác cán bộ
Trong điều kiện nền kinh tế còn hạn chế chi tiêu công, sự phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực, các ngành… dẫn đến rất khó dàn hàng ngang để đào tạo nhân tài.
Vậy nhân tài nên tập trung phát triển ở những lĩnh vực nào? Chính phủ rất nên tập trung vào 3 lĩnh: nhân lực lãnh đạo quản lý trong bộ máy công quyền, nhân lực lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, và đội ngũ thầy cô giáo cùng cán bộ quản lý.
Trong bộ máy công quyền rất cần nhân tài được đào tạo một cách chuyên nghiệp theo tinh thần của nền hành chính công vụ.
Lãnh đạo quản lý yếu kém, chủ trì hoặc tham gia thiết kế chính sách, cơ chế mà sai có thể dẫn đến những tổn thất vô cùng lớn cho đất nước. Cộng vào đó những phẩm chất, thái độ kém dễ dẫn đến xu hướng thụ động, làm việc theo động cơ cá nhân, vì lợi ích nhóm, dễ "gây bè kết cánh".
Hình ảnh minh họa |
Trong thực tế, nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý trong bộ máy công quyền không được đào tạo một cách chuyên nghiệp gắn với chức năng nhiệm vụ, mô tả việc tương ứng với trọng trách được giao. Hầu hết những người này tự đào tạo và học hỏi, làm giàu năng lực qua trải nghiệm công tác.
Những người có khả năng tư duy tốt, sử dụng ngoại ngữ thành thạo cộng với chút kỹ năng về công nghệ thông tin và văn hóa học hỏi thì có thể trưởng thành nhanh chóng và sớm thích nghi với công việc. Nếu những người này được đào tạo hình thành năng lực hành chính sớm thì các cơ quan công quyền sẽ sớm có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có năng lực.
Điều đáng tiếc, chúng ta có các học viện quản lý, hành chính nhưng thiếu trường đào tạo năng lực làm giám đốc sở, vụ trưởng, thứ trưởng hay các cấp lãnh đạo khác. Có thể các chương trình giúp chúng ta đào tạo ra những người nói thì hay (do chủ yếu được truyền thụ kiến thức), nhưng đụng đến việc làm cụ thể thì không ít khó khăn...
Những lúng túng trong việc lựa chọn mô hình tăng trưởng, kết quả hạn chế tái cơ cấu nền kinh tế, quy hoạch chiến lược, quản lý tài chính công, hiệu quả đầu tư... có thể xem là sản phẩm không mong muốn của nền hành chính chưa tốt hiện nay.
Vì thế càng sớm phát hiện nhân tài hành chính, thì càng nên sớm đào tạo theo cách tiếp cận hành thành năng lực, kết hợp lý luận và thực tiễn ngành, chúng ta sẽ có đội ngũ nhân lực lãnh đạo quản lý chất lượng cao.
Nhóm nhân tài thứ hai rất cần phát triển, đó là đội ngũ doanh nhân, những người lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chiếm trên 97% tổng số DN cả nước, đóng góp 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, tạo ra 62% việc làm cho người lao động, đóng góp 49% vào việc tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, đa phần "chủ doanh nghiệp" này cũng chưa được đào tạo bài bản để làm chủ doanh nghiệp. Có tiền vốn và đất đai cộng chút kinh nghiệm kinh doanh là lập doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập, hợp tác và cạnh tranh gay gắt diễn ra đồng thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu rất nhiều thách thức trong lãnh đạo, quản lý. Đó là chưa kể cơ chế của chúng ta chưa hoàn thiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại phải biết xoay xở, tồn tại và phát triển.
Với vai trò hết sức quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho nhiều triệu lao động, đảm bảo sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như đóng góp lớn vào ngân sách, nhân tài lãnh đạo quản lý cũng rất cần được đào tạo mang tính chuyên nghiệp.
Nhóm nhân tài thứ ba chính là đội ngũ những thầy cô giáo từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học.
Chúng ta khó có nhân tài đúng nghĩa, nếu thiếu những những thầy cô giáo tài giỏi trong hệ thống giáo dục. Họ là máy cái để đào tạo ra đội ngũ nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Ngay cả khi phương tiện thông tin truyền thông quá đầy đủ, nguồn thông tin và tri thức vô tận qua mạng internet, thì vai trò người thầy không thể bỏ qua.
Chúng ta đang tập trung nhiều cho đổi mới chương trình, SGK và nhiều chương trình khác, nhưng thiếu đi những giáo viên giỏi, tâm huyết, tận tụy cống hiến thì những chương trình giáo dục dù hay đến đâu cũng chỉ là những tài liệu sản phẩm của bàn phím….
Mời bạn đọc gửi bài viết "hiến kế", những cách làm hay, những cơ chế mời gọi, đãi ngộ nhân tài về banxahoi@vietnamnet.vn. Những ý kiến phù hợp sẽ được đăng tải. |
TS Hoàng Ngọc Vinh