Bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết số lượng bệnh nhân mắc đột quỵ não ngày Tết có xu hướng tăng hơn ngày thường. Các yếu tố thúc đẩy đột quỵ trong những ngày này là bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái táo đường… Trong đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính. 

Nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết mình mang bệnh. Vì vậy, bác sĩ Khoa cho biết việc phát hiện tăng huyết áp và điều trị đúng, đủ rất quan trọng để phòng ngừa tai biến. Đặc biệt là phòng ngừa các trường hợp huyết áp cao đột ngột.

Những yếu tố thúc đẩy cơn tăng huyết áp đột ngột (tăng huyết áp ác tính) như các bệnh rối loạn lo âu, dùng chất kích thích, các thuốc amphetamin, các yếu tố môi trường.

Đa số người bệnh không có các dấu hiệu và triệu chứng, ngay cả khi huyết áp lên tới các mức độ cao nguy hiểm. Môt số ít người có thể bị nhức đầu, khó thở hay chảy máu mũi. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng này là không đặc hiệu và thường không gặp cho đến khi huyết áp cao trở nên nghiêm trọng hay đe dọa đến tính mạng.

Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: BSCC

Để phòng tăng huyết áp cấp tính trong những ngày Tết, bác sĩ Khoa lưu ý người bệnh cần phải kiểm soát thật tốt huyết áp mục tiêu của mình.

Lưu ý, tránh ăn mặn bởi tiêu thụ nhiều muối là yếu tố tác động tới huyết áp. Ngoài ra, trời lạnh cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ nên người bệnh cần giữ ấm, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Bệnh nhân cần hạn chế việc xáo trộn nhịp sinh hoạt hàng ngày, duy trì uống thuốc, thói quen ăn uống, luyện tập. Bởi việc thay đổi đột ngột lối sống có thể làm huyết áp cao, gây biến chứng.

Bác sĩ Khoa cũng khuyến cáo người bệnh cần tránh xa bia rượu. Nếu uống, bạn chỉ uống một lượng bia rượu vừa phải. Cụ thể, rượu vang uống một cốc/ngày, bia 1-2 lon/ngày, rượu mạnh một ly nhỏ/ngày. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các món ăn phổ biến trong ngày Tết là bánh chưng, bánh tét, đồ ăn nhiều chất béo, dưa hành, củ kiệu… Người tăng huyết áp ăn nhiều các loại thực phẩm này sẽ vô tình khiến lượng natri trong máu tăng gây áp lực cho huyết áp.

Vì vậy, người bệnh chỉ ăn khoảng 100g bánh chưng, 3-5 củ hành, củ kiệu, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như chả lụa, giò thủ, nước uống có gas. Người bệnh nên gắp riêng ra đĩa để ăn có kiểm soát hơn. Vị chuyên gia này cho rằng việc ăn đúng khẩu phần sẽ giúp bạn kiểm soát được năng lượng đưa vào cơ thể. 

Ngoài ra, người bệnh nên đo huyết áp thường xuyên và chủ động để kiểm soát. Khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên liên hệ bác sĩ của mình hoặc tới các cơ sở y tế để kiểm tra, không nên có tâm lý chờ qua Tết. Thực tế, sau kỳ nghỉ này, nhiều trường hợp bệnh nặng hơn vì ngại đi khám.