Thời điểm cận Tết là quãng thời gian bận rộn nhất trong năm, nhưng cũng là thời điểm thị trường bước vào mùa mua sắm lớn nhất. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ số, thay vì chen chúc mua sắm ở chợ truyền thống, hay xếp hàng dài chờ thanh toán tiền tại các siêu thị, trung tâm thương mại…thì nhiều người lại lựa chọn mua sắm trực tuyến trên nền tảng công nghệ số.

Chị Hà Thị Ngọ (Phường Hưng Lộc, TP Vinh) chia sẻ: “Cuối năm công việc bận quá, tôi chưa có thời gian đi mua sắm. Bây giờ có mua bán hàng online nên tôi tôi tranh thủ đặt mua thực phẩm handmade, quần áo, giày dép, thực phẩm cho đến đồ trang trí nhà cửa đều có sẵn trên các trang web, mạng xã hội khác rất tiện lợi”.

“Chỉ cần ngồi ở nhà và chọn lựa, một số đơn hàng có thể rủ đồng nghiệp mua chung, ghép đơn nên khá tiết kiệm phí vận chuyển. Về cơ bản, việc sắm Tết không còn quá vất vả như trước đây” chị Ngọ nói.

W-cho-online-1-1.jpg
Dựa trên nền tảng số, việc mua sắm hàng online trong dịp Tết cổ truyền ngày càng tăng cao. Ảnh: Kim Chi

Cũng ưu tiên lựa chọn hình thức mua sắm online, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (xã Nghi Phú, TP.Vinh) cho biết: "Tôi thường lên sàn thương mại điện tử tìm kiếm các chương trình khuyến mại, tích lũy voucher giảm giá và tìm những địa chỉ bán hàng uy tín, có nhiều phản hồi tích cực để chọn mua các mặt hàng tiêu dùng, chuẩn bị cho dịp tết. 

Các hoạt động buôn bán đang dần được chuyển đổi lên kênh online, như một xu hướng. Chỉ cần ngồi một chỗ với vài cú click chuột, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn bất kỳ loại sản phẩm nào mình quan tâm với đầy đủ thông tin về kiểu dáng, kích cỡ, chất liệu sản phẩm... 

Người tiêu dùng còn có thể dễ dàng so sánh giá cả trên nhiều trang web khác nhau, các mức ưu đãi đi kèm...đảm bảo món hàng mình mua thật sự hữu ích.

"Hàng hóa trên các ứng dụng rất đa dạng. Nếu biết săn ưu đãi, giá còn rẻ hơn ở ngoài rất nhiều. Ở nhà mà mình vẫn mua được hàng từ nhiều siêu thị, không còn phải lâm vào cảnh tắc đường, hay chen chúc ở chợ nữa", chị Oanh bộc bạch.

W-cho-online-2-1.jpg
Danh mục sản phẩm đa dạng, nhiều ưu đãi là những lý do người dùng chọn sắm Tết online. Ảnh: Kim Chi

Khao sát các hãng vận chuyển, thời điểm cuối năm là đợt cao điểm của việc chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện. “Công ty chúng tôi là đơn vị vận chuyển hàng hóa theo nhu cầu khách hàng đặt online trên các sàn thương mại điện tử như: shoppe, lazada, tiktok...

Từ đầu tháng 12 đến Tết nguyên đán là đợt cao điểm của việc chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện. Lượng đơn hàng thời gian này tăng 30 - 40% so với các ngày thường trong năm. Để đáp ứng nhu cầu gửi hàng của khách hàng, chúng tôi phải bổ sung thêm nhân viên giao hàng” - chị Lê Thị Thanh Tâm - Quản lý Công ty TNHH Nin Sing Logistics chi nhánh Nghệ An thông tin. 

W-cho-online-4-1.jpg
Số lượng đơn hàng tăng cao trong dịp Tết nguyên đán. Ảnh: Kim Chi

Anh Bùi Huy Bình một shipper cho biết: “Gần Tết nguyên đán, số lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với ngày thường, trung bình mỗi ngày tôi phải giao trên 100 đơn hàng. Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, người nội trợ, sinh viên...Vì số lượng hàng khá nhiều nên tôi phải chú trọng khâu giao nhận để bảo đảm hàng hóa, bưu kiện không bị thất lạc và đến tay khách hàng một cách nhanh nhất”.

Càng gần Tết, nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng cao, việc mua hàng online đã và đang được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn vì nhiều tiện ích. Đặc biệt là sự linh hoạt về thời gian, người tiêu dùng dễ dàng khảo sát hàng hóa và giá cả. Thế nhưng, trên các trang mạng cũng không tránh khỏi có những tài khoản tung chiêu trò lừa đảo, giao hàng kém chất lượng.

Chính vì vậy, người mua hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin, phí vận chuyển, phương thức thanh toán, thỏa thuận việc đổi lại hàng nếu không đúng như sản phẩm đã chọn… để tránh những rắc rối không đáng có hoặc mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng trong dịp Tết đến xuân về.

Kim Chi