Không được phép

Như Dân Việt đã đưa tin, trong cuộc tiếp xúc cử tri sáng ngày 19/9, trước nhiều câu hỏi của cử tri Đà Nẵng về việc người Trung Quốc “thâu tóm" các lô đất ven biển và có nhiều hình thức chi phối thị trường bất động sản, ông Tô Văn Hùng -  Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.Đà Nẵng cho biết, qua rà soát ở ven biển Ngũ Hành Sơn, khu vực sát sân bay Nước Mặn có 246 lô đất.

{keywords}
Vệt đất ở khu vực gần sân bay Nước Mặn (thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) - Ảnh: Hữu Khá

Trong đó, có 20 lô đất thành phố bán đấu giá cho các cá nhân người Việt Nam và hiện nay số Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất (GCQSDĐ) này đã được chủ sở hữu người Việt Nam mang đóng góp cổ phần liên doanh, liên kết với doanh nghiệp có người Trung Quốc tham gia.

Ông Tô Văn Hùng thông tin, trong 21 lô có yếu tố người Trung Quốc thì 1 lô đất có 100% vốn của doanh nghiệp Trung Quốc, đó là trường hợp dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt.

Còn lại 20 lô đất, ông Hùng cho biết: “Các trường hợp này là dự án vệt biệt thự (đất ở chia lô) dọc tường rào sân bay Nước Mặn. Trước đây thành phố thực hiện bán đấu giá và giao đất hoàn toàn cho các nhân, tổ chức trong nước.

Sau khi được cấp GCNQSDĐ, các cá nhân và tổ chức này đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là người Trung Quốc thông qua hình thức góp vốn, mua bán cổ phần”.

Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng khẳng định, không có tên người Trung Quốc trong các GCNQSDĐ nhưng hiện số giấy tờ này đã thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh, liên kết có người Trung Quốc tham gia.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định, pháp luật hiện hành mà cụ thể là Luật Đất đai 2013 không cho phép người nước ngoài đứng tên sở hữu đất ở Việt Nam.

Theo vị luật sư, Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài nếu có dự án đầu tư có quyền sử dụng đất ở Việt Nam.

Theo quy định tại điều 5 Luật Đất đai 2013: “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự; Hộ gia đình, cá nhân trong nước 

Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ.

{keywords}
Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng cho biết hàng chục lô đất ven biển Đà Nẵng đã thuộc sở hữu của doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Đình Thiên

Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.

Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư".

Từ những phân tích trên, luật sư Hòe khẳng định, người nước ngoài không được phép mua đất, sở hữu đất, đứng tên trên "sổ đỏ" mà chỉ có quyền sở hữu nhà ở dưới 2 hình thức là mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Ai phát hiện báo ngay cho Bộ

Về đối tượng được phép mua nhà ở Việt Nam, luật sư Hòe cho biết, theo Luật Nhà ở 2014, đối tượng người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam chỉ cần được phép nhập cảnh và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự là được.

Còn theo điều 159 Luật Nhà ở cho phép cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với điều kiện phải đáp ứng các quy định về nhập cảnh vào Việt Nam hoặc đáp ứng các quy định về giấy phép đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam.

Nói về sự việc đang diễn ra ở Đà Nẵng, vị luật sư cho rằng, các cơ quan chức năng phải ngay lập tức thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện các doanh nghiệp Trung Quốc có hợp đồng thuê người Việt Nam mua đất, hoặc rót vốn cho người Việt mua đất thì phải hủy hợp đồng và yêu cầu trả lại đất theo đúng hiện trạng ban đầu.

Đây có thể là một cách các doanh nghiệp Trung Quốc lách luật để sở hữu đất, nếu không xử lý sớm có thể nhiều hệ lụy xấu sẽ xảy ra.

Ở một diễn biến liên quan, trước đó, tại phiên trả lời chất vấn sáng 5/6/2018, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đất đai được các Đại biểu quốc hội đề cập.

Trong đó, nhiều đại biểu đặt vấn đề giao dịch mua bán đất đai phức tạp tại 3 nơi sắp thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), nhất là có thông tin người nước ngoài đã mua nhà khu vực này.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định hiện hành thì người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua chung cư ở đô thị.

"Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị. Đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho Bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam", ông Hà nhấn mạnh.

(Theo Dân Việt)