Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm. Con số này tương đương với các nước Đông Nam Á, song ít hơn Trung Quốc, Mỹ.
Mỗi năm mất 108.000 tỷ đồng khám chữa bệnh liên quan thuốc lá
Theo ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Theo đó, phải mất 1,4 nghìn tỷ USD chi phí hàng năm cho chi phí chăm sóc sức khoẻ và giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra.
Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn - 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tại một sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 cho biết sử dụng các sản phẩm thuốc lá kể cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho cả người sử dụng, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Vẫn còn gần 39% nam giới trưởng thành ở Việt Nam dùng thuốc lá điếu
Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác tại của thuốc lá (Bộ Y tế), chia sẻ Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành cao đứng thứ 3 tại ASEAN.
"Có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá", bà Hương cho biết. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi..., đây cũng là những bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Dẫn chứng về mối liên quan giữa ung thư phổi và thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết số liệu từ Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thấy rằng, người hút thuốc có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp từ 15 đến 30 lần so với người không hút. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động, người không hút cũng hít phải các hợp chất gây ung thư, gây tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%.
Còn theo Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, thuốc lá điện tử hay thuốc lá không khói cũng đã được chứng minh có chứa các chất gây ung thư và liên quan đến nhiều bệnh lý đường hô hấp khác. Điều tra toàn cầu về thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) năm 2020 cho thấy, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3% và 1,7% ở nữ giới là khá cao, và đặt ra những thách thức cho việc dự phòng ung thư phổi.
Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi người dân hãy chủ động tìm hiểu và thực hiện thói quen khám tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi, cùng đó "hãy cùng nói không với thuốc lá", người chưa hút thì không nên hút. Người thân, bạn bè, những người xung quanh nên khuyên người hút thuốc từ bỏ dần tiến tới từ bỏ thuốc lá, cùng nhau tạo ra môi trường không khói thuốc tại nhà, nơi làm việc và nơi công cộng, duy trì chế độ ăn cân đối, luyện tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe.