Người Việt sẽ ở đâu, trong tư thế nào giữa dòng chảy hội nhập kinh tế và văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa và thế giới phẳng như hiện nay luôn là câu hỏi chúng ta trăn trở suốt những năm vừa qua.
Cuối năm, chúng tôi có dịp tham dự một lễ hội nhỏ về lụa tại Hội An. Có một vị khách đến từ Nhật Bản.
Lúc đầu, ông mặc âu phục nhưng khi tiếng trống lễ hội vang lên, ông nhanh chóng thay bộ Kimono truyền thống mặc trong dịp lễ theo phong tục của người Nhật. Và khi phát biểu với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Kyoto, ông nói thế này: "Mỗi ngày, khi vào xưởng coi sóc công nhân làm việc tôi đều khoác chiếc áo truyền thống này lên người.
Các bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang quảng cáo cho sản phẩm của mình? Chưa đúng, tôi suy nghĩ, đó không chỉ là chiếc áo lụa, đó là văn hóa của dân tộc tôi. Nếu chúng tôi giữ được chiếc Kimono truyền thống trong đời sống hằng ngày, thì văn hóa nước Nhật vẫn còn và ngành tơ lụa của Nhật Bản sẽ phát triển.
Tôi tự hào vì thứ tôi đã gắn bó cả đời không chỉ là lụa, mà là văn hóa. Vì thế tôi đã truyền cho những người kế tục trong nghề tư tưởng đó”.
Chưa dừng lại ở đó, ông cho mọi người xem tấm ảnh chụp Thủ tướng Nhật Bản mặc Kimono đón tiếp khách trong và ngoài nước. Ông nói: "Đây là vị Thủ tướng tạo được niềm tin và sự ngưỡng mộ đối với người Nhật vì ông ấy không bao giờ quên văn hóa Nhật".
Sau bài nói chuyện, vị khách già đột nhiên đẹp lên trong mắt những người dự lễ hội lụa. Rất nhiều người Việt trẻ mong muốn được chụp chung với ông một tấm ảnh để tỏ lòng trân trọng.
Một đạo diễn vừa trở về từ nước Nhật cũng cảm thấy rất ấn tượng về nền văn hóa truyền thống Nhật Bản thể hiện trong đời sống hằng ngày. Tinh thần của người Nhật là tinh thần của các võ sĩ đạo, khiêm tốn, quật cường, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để vươn lên.
Câu chuyện của người nghệ nhân già đến từ Kyoto làm chúng tôi có nhiều suy nghĩ. Gần đây, trong cuộc sống đang nổi lên những lo âu về các giá trị truyền thống của người Việt đang mai một do không thích ứng được với cuộc sống hiện đại.
Sức mạnh nào đã giúp cho nghệ nhân già đến từ Kyoto kia hiểu thấu suốt việc lấy văn hóa làm nền tảng phát triển cho một nghề sản xuất truyền thống ngoài niềm tin vào các giá trị cổ truyền?
Phải chăng đó là vì ông thật sự yêu quý nghề nghiệp của mình, nên đã cố gắng tìm tòi trong đó những giá trị thật để đưa nó thích ứng với mọi biến động xã hội.
Có một thời chúng ta đã náo nức trở lại với tà áo dài dân tộc. Buổi sáng mùng Một Tết cổ truyền, các cô gái trẻ đã tha thướt trong tà áo dài ấy đi lễ chùa, đi chúc Tết cha mẹ, thầy cô. Nhưng bây giờ, tình cảm với tà áo dài đã nhạt phai. Ngành giáo dục đòi chia tay với chiếc áo dài nữ sinh.
Ngành du lịch thích ứng bằng cách biến tấu ra một chiếc áo nửa bà ba, nửa áo dài để nhân viên mặc dễ làm việc. Nhưng chiếc áo cách điệu đó lại làm mất nét đặc trưng trang phục truyền thống.
Nhiều ngân hàng chuyển từ chiếc áo dài sang váy áo công sở. Sự biến đổi văn hóa của chúng ta không đi theo hướng giữ gìn và hỗ trợ những giá trị tinh hoa, mà chạy theo sự dễ dãi thiếu cân nhắc chiều sâu.
Ông Watanabe - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Kyoto, nói: "Tôi rất vui khi nghĩ rằng với nguồn tơ cao cấp từ Bảo Lộc nhập về Nhật Bản, chiếc Kimono đã có sự đóng góp văn hóa lao động của người Việt. Dù Nhật Bản đang nhập tơ lụa từ Việt Nam, nhưng thị trường này của các bạn vẫn biến động. Do đó, người Việt nên tự xây dựng nên thị trường nội địa phục vụ 90 triệu dân".
Ông hy vọng người Việt sẽ có cách để các giá trị cổ truyền trở lại, đưa lụa tơ tằm vào ứng dụng nhiều trong đời sống với giá hợp lý để nhiều người có thể sử dụng.
Người Việt sẽ ở đâu, trong tư thế nào giữa dòng chảy hội nhập kinh tế và văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa và thế giới phẳng như hiện nay luôn là câu hỏi chúng ta trăn trở suốt những năm vừa qua. Và câu trả lời luôn không thỏa đáng với những sắc màu có lúc duy ý chí, có lúc lại đượm những hoang mang!
- Hồng Bích (Theo Doanh nhân Sài Gòn) - Tiêu đề do tòa soạn đặt.