Không tạo đột phá về diễn đạt, tiểu thuyết của Dan Brown - như tác phẩm mới "Nguồn cội" - vẫn kích thích người đọc, buộc họ tò mò lật trang tiếp theo.
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời kỳ công nghệ số khi những ấn phẩm giấy ngày càng bị lép vế, các cuốn sách của tác giả Dan Brown vẫn được phát hành hàng triệu bản in trong những tuần đầu tiên (bên cạnh bản e-book).
Dan Brown có thể không phải một cây viết cừ khôi về mặt câu chữ, nhưng ông luôn biết cách khiến độc giả bị lôi cuốn ngay từ những chương sách đầu tiên. Tác phẩm mới nhất Origin (bản tiếng Việt là Nguồn Cội - Công ty sách Bách Việt và NXB Lao Động phát hành) tiếp tục khẳng định vị thế của Dan Brown trong làng tiểu thuyết ly kỳ của thế giới hiện tại.
Origin - tiểu thuyết mới nhất của Dan Brown - được dịch giả Xuân Hồng sang tiếng Việt với tên Nguồn cội.
Khi xung đột giữa khoa học và tôn giáo được đẩy cao
Nguồn cội là cuốn thứ năm trong loạt sách trinh thám - phiêu lưu có nhân vật trung tâm là giáo sư biểu tượng học Robert Langdon của Đại học Havard. Loạt sách này được bắt đầu từ năm 2000 với Angels & Demons nhưng chỉ có doanh số vài chục nghìn bản trước khi hiện tượng The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) ra đời.
Mật mã Da Vinci bán được tới gần 100 triệu bản trên toàn cầu không chỉ nhờ nội dung hấp dẫn, ly kỳ mà còn bởi những chi tiết động trời liên quan tới Kinh Thánh và tôn giáo được đề cập trong tác phẩm.
Hành trình mới nhất của Robert Langdon mang tên Nguồn cội tiếp tục chứng kiến sự lung lay của tôn giáo, trước sự thách thức từ tỷ phú thiên tài Edmond Kirsch.
Nhà vị lai chủ nghĩa này nổi tiếng toàn cầu bởi niềm tin vào khoa học hiện đại, những xung khắc với tôn giáo truyền thống và đặc biệt là “khả năng tiên tri”. Những dự đoán về tương lai của Kirsch không đơn thuần là linh tính hay “phán bừa” mà được dựa trên những tính toán khoa học và luôn đem tới kết quả chính xác.
Chính vì lẽ đó, khi Kirsch tổ chức một buổi thuyết trình đặc biệt tại bảo tàng Geuggenheim (Bilbao, Tây Ban Nha) để công bố một phát hiện “sẽ thay đổi diện mạo khoa học mãi mãi”, sự chú ý của giới tinh hoa cả thế giới được đổ dồn về đó.
Không chỉ giới khoa học mà ngay cả các tín đồ tôn giáo cũng dõi theo bài thuyết trình của Kirsch, bởi công bố của kẻ vô thần này được dự báo sẽ đập tan mọi nền tảng tôn giáo.
Tuy nhiên, sự kiện được mở đầu vô cùng ấn tượng kể trên bỗng chốc bị biến thành thảm kịch. Có mặt tại hiện trường với tư cách một chuyên gia biểu tượng đồng thời là người thầy cũ của Kirsch tại Havard, Robert Langdon tự nhận thấy mình có trách nhiệm mang phần còn lại của bài phát biểu tới toàn thế giới thông qua những manh mối Kirsch để lại.
Nhân vật Robert Langdon trong phim Thiên thần và Ác quỷ. |
Sát cánh cùng ông là nữ giám đốc bảo tàng Ambra Vidal - người sẽ là hoàng hậu tương lai của Tây Ban Nha. Trợ thủ của Langdon còn là trí thông minh nhân tạo do Kirsch sáng tạo ra.
Liệu chừng đó là có đủ để Langdon và Vidal thực hiện được nhiệm vụ đặc biệt, khi mà dường như những thế lực bên trong Hoàng gia và Giáo hội Tây Ban Nha muốn chôn vui phát hiện của Kirsch vĩnh viễn?
Một cuốn sách lôi cuốn dù không xuất sắc
Chỉ cần đọc qua vài trang sách, độc giả dễ dàng nhận ra mình đang đọc văn của Dan Brown. Nhà văn người Mỹ này chưa bao giờ là một cây bút tạo sự đột phá về diễn đạt. Câu chữ của ông đơn giản, ngay cả trong mô tả những kỳ quan nghệ thuật.
Thứ khiến Brown trở thành một trong những tác giả có sách bán chạy nhất trong lịch sử - với lượng sách đã bán ước tính lên tới hơn 200 triệu bản - là trí tưởng tượng và khả năng lôi cuốn người đọc.
Các cuốn sách của ông luôn cho thấy sự tìm tòi, nghiên cứu thông qua lượng kiến thức ngồn ngộn về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, kiến trúc và biểu tượng.
Với Nguồn cội, Dan Brown không có bước tiến nào đáng kể. Về cách dẫn dắt, Brown vẫn trung thành với việc để những chương sách ngắn với khúc cuối gây tò mò, thôi thúc độc giả lật trang tiếp theo để theo dõi nhiều tuyến truyện đan xen trong cùng một khoảng thời gian.
Nội dung sách vẫn theo mô típ quen thuộc với một sự việc gây sốc mở đầu tác phẩm, dẫn theo một chuỗi hành trình phiêu lưu với tốc độ gấp gáp như thể một điệp vụ của James Bond.
Nếu như xem Robert Langdon là chàng điệp viên 007 thì bên cạnh ông luôn có những “Bond Girl” vừa xinh đẹp lại vừa thông thái. So với những cuộc phiêu lưu trước đây, quy mô của cuộc phiêu lưu ngập tràn adrenaline trong Nguồn cội có phần bị thu hẹp lại.
Ví như Robert Langdon từng du ngoạn từ Pháp tới Anh trong Mật mã Da Vinci, chạy đua với thời gian từ Italy tới Thổ Nhĩ Kỳ trong Hỏa ngục thì ở cuốn sách mới này, phạm vi hoạt động của vị giáo sư chỉ gói gọn trong Tây Ban Nha.
Những ai chưa từng đặt chân tới Tây Ban Nha ắt hẳn sẽ cảm thấy tò mò về xứ sở bò tót qua ngòi bút của Dan Brown. Ông cung cấp cho khán giả những thông tin thú vị về kiến trúc của xứ Catalan dưới bàn tay kiến trúc sư thiên tài Gaudi và táo bạo đả động tới cả lịch sử chủ nghĩa cực đoan lẫn nội tình Hoàng gia Tây Ban Nha.
Cuộc phiêu lưu của Robert Langdon càng thêm phần phong phú và mang sắc thái hiện đại với những yếu tố thời cuộc được bổ sung như: Trí thông minh nhân tạo, thuyết âm mưu, tin giả hay cả công nghệ Uber...
Tác giả Dan Brown thường đưa chuỗi biểu tượng, mật mã, kiến thức dày đặc trong tác phẩm, tạo nên sức hấp dẫn riêng cho tiểu thuyết của mình. |
Tuy nhiên, có hai nhược điểm khiến Nguồn cội dù mang lại cảm giác hấp dẫn từ đầu nhưng khi đọc xong lại khiến độc giả chưa hoàn toàn thỏa mãn.
Đầu tiên là việc yếu tố giải đố dựa trên những manh mối để lại, những biểu tượng văn hóa lịch sử... không xuất hiện nhiều và gay cấn như những tập sách trước. Với sự xuất hiện của nhân vật Winston - trợ lý máy tính của Edmond Kirsch - yếu tố con người trở thành thứ yếu.
Nhân vật Ambra Vidal giống một “bình hoa di động” đã đành, ngay cả Langdon cũng không tỏ ra xuất chúng như những phần trước, nhất là khi đặt cạnh nguồn kiến thức vô tận của Winston.
Tiếp theo là chủ đề mà Dan Brown thông qua nhân vật Edmond Kirsch hướng tới là quá rộng. Trả lời hai câu hỏi “Chúng ta đến từ đâu?” và “Chúng ta đang đi về đâu?” là điều mà con người hằng tìm kiếm bấy lâu nay, và một cuốn tiểu thuyết trinh thám dày hơn 700 trang khó lòng có thể mang lại câu trả lời dù rằng đã tham khảo không ít những chuyên gia.
Độc giả không kỳ vọng Nguồn cội sẽ đem lại câu trả lời, nhưng so với sự kỳ vọng được đẩy dần lên cao từ đầu tiểu thuyết thì khúc cuối không khỏi mang lại cảm giác hụt hẫng. Những ai kỳ vọng vào một “cú nổ Big Bang” về hé lộ của Edmond Kirsch sẽ thấy khó có thể thỏa mãn hoàn toàn.
Về tổng thể, Nguồn cội vẫn là một cuốn sách không nên bỏ qua với các fan của thể loại truyện trinh thám nói chung và của Dan Brown nói riêng. Giống những cuốn sách trước, Nguồn cội là một cuộc chạy đua với thời gian của giáo sư Robert Langdon để khai phá những bí ẩn mà kẻ thủ ác muốn chôn giấu và được cài cắm những yếu tố bất ngờ đi ngược lại dự đoán từ số đông độc giả.
Cuốn sách xứng đáng được những người mến mộ Dan Brown tìm đọc để tận hưởng trọn vẹn giá trị giải trí cùng những nghiên cứu mà tiểu thuyết gia sinh năm 1964 này đã mất hơn 3 năm để thu thập, trước khi những chi tiết trên bị lược bỏ bớt khi Nguồn cội được dựng thành phim.
Theo Zing
Sự thật đằng sau 4 'ông lớn' Amazon, Apple, Facebook và Google
Được dịch sang 22 thứ tiếng, nằm trong danh sách “best seller” của cả New York Times và USATODAY, Tứ Đại Quyền Lực (The Four) khiến cả thế giới rúng động vì lượng sự thật nó hàm chứa trong nội dung.
Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc giao lưu và ký tặng sách
Hai ca sĩ ra mắt tự truyện gần đây sẽ có mặt tại Hội sách Hải Châu - Đà Nẵng 2018 để giao lưu với bạn đọc.
Bí ẩn dưới tòa nhà Quốc hội
Hơn 100 di tích, hàng chục nghìn di vật được tìm thấy dưới lòng đất khu vực tòa nhà Quốc hội cho thấy nơi đây là một phần quan trọng kinh thành Thăng Long xưa.