"Anh muốn một miếng kính anh có thể dùng để đọc email trong toilet"
Đó chính xác là những gì vị cựu CEO Apple đã nói với các kỹ sư đang phát triển iPad vào thời điểm ban đầu đó - theo lời Imran Chaudhri, một cựu binh từng làm ở Apple suốt 21 năm, nay là Chủ tịch và Giám đốc của Humane. Chaudhri tiết lộ điều này khi phản hồi lại một bài báo gần đây nói về nguồn gốc của iPad trên tờ New York Times.
Bài báo mà Chaudhri bình luận có nội dung về công nghệ trong thập kỷ qua. Một phần trong bài báo có đoạn phóng viên Brian X. Chen phỏng vấn ông Phil Schiller của Apple và cựu phóng viên của tờ Wall Street là Walt Mossberg.
Trong bài báo, Schiller có nói về khao khát có được một chiếc máy tính với giá chỉ 499 USD của Steve Jobs đã dẫn đến sự ra đời của chiếc iPad với thiết kế tối giản như thế nào. Mọi chuyện diễn ra từ trước khi iPhone xuất hiện. Apple đã quyết định loại bỏ những linh kiện đắt tiền, như bàn phím và thiết kế vỏ sò, chuyển sang gõ trực tiếp lên màn hình, và sau đó là sự hình thành của cảm ứng đa chạm (multitouch).
Chaudhri tiếp tục câu chuyện bằng cách kể về một nhóm các kỹ sư Apple đã tạo ra bản thử nghiệm cho công nghệ đa chạm ra sao. "Mấy chú phải cho anh thứ gì đó có thể bán được ấy" - Jobs nói. Vậy là các kỹ sư phải suy nghĩ đến nhiều phương án, bao gồm tích hợp cảm ứng đa chạm vào một chiếc tablet dựa trên máy Mac, nhưng sản phẩm này nếu hoàn thành sẽ rất đắt đỏ.
Sau khi khám phá một vài lựa chọn khác, họ cuối cùng đã tạo ra concept iPad mà chúng ta có ngày nay. Chaudhri viết rằng, "Steve quả thực đã mang miếng kính của ông ấy để vào đọc email trong toilet. Chúng tôi đều làm vậy cả".
Steve Jobs và iPad
Một trong những phần hấp dẫn nhất trong câu chuyện nói trên là nó đã miêu tả khá cụ thể những thay đổi trong thái độ của Steve Jobs tại Apple. Vào đầu thập niên 1980, Jobs từng tranh cãi với nhà sáng lập dự án Macintosh, Jef Raskin, về phương hướng của dự án. Raskin muốn bắt đầu với một sản phẩm giá rẻ, và phát triển một chiếc máy tính tốt nhất có thể trong mức giá đó. Jobs lại muốn phát triển thứ gì đó với cấu hình càng cao càng tốt, giá cả không quan trọng.
Jobs tiếp tục theo đuổi hướng đi đó tại NeXT: các máy tính NeXT Computer được ông tạo ra cho thị trường giáo dục, nhưng lại quá đắt đỏ cho chính thị trường đó.
Đến khi ông quay về Apple vào cuối những năm 1990, phương hướng của Jobs đã thay đổi. Ông muốn Apple tạo ra những công nghệ hấp dẫn với giá phải chăng. Nếu không theo hướng đi này, có lẽ ngày nay chúng ta sẽ chẳng có iPhone lẫn iPad để sử dụng.