Tôn giáo du nhập, hình thành ở Việt Nam từ rất sớm, được người dân đón nhận bởi những giá trị nhân bản mà tôn giáo mang lại phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc, tôn giáo luôn gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng dân tộc, mà biểu hiện rõ nét nhất là các giá trị đạo đức, văn hóa.

Theo TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, với truyền thống “hộ quốc, an dân”, đa số đồng bào theo tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

W-anhminhhoa-3.png

Phật giáo hơn 2.000 năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế “Đạo pháp bất ly thế gian pháp” đã phát huy giá trị văn hóa Phật giáo trong xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Đạo đức, văn hóa Phật giáo đã làm sâu sắc và phong phú thêm các giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, như quan niệm về tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ hay về luật nhân quả. Phật giáo đã chỉ ra mọi nỗi khổ đau của con người và bất bình đẳng xã hội chính là tham, sân, si, làm nảy sinh những tà kiến, tranh chấp, làm điều ác; đề cao quy luật nhân quả, nghiệp báo, khuyên bảo tín đồ thực hành “Ngũ giới luật”, “Bát Chánh đạo”, nâng cao trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội, thúc đẩy con người điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân.

Giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý của Công giáo, Tin lành được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó có 3 điều nói về Thiên Chúa và bảy điều khuyên răn về đạo đức làm người đã góp phần bồi dưỡng đạo đức, văn hóa cá nhân cũng như xã hội. Triết lý của Công giáo rất rộng nhưng được quy tụ ở bốn từ với hai cặp phạm trù “Kính Chúa, Yêu người”, đó chính là yêu thương, cảm thông và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Phật giáo Hòa Hảo với tôn chỉ hành đạo là “học Phật, tu Nhân”, tại gia cư sĩ thực hiện Tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại) với đường hướng hành đạo “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc” với trọng tâm hoạt động là phổ truyền giáo lý và thực hành công tác xã hội, từ thiện, bố thí rất phù hợp với truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đạo Cao Đài, cũng như các tôn giáo khác lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm, lấy phụng sự chúng sanh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu cho nền hòa bình và công bằng xã hội nhằm mục đích phục vụ dân tộc, Tổ quốc, tương đồng với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang hướng tới như lời Chưởng pháp Cao Triều Phát trước đây kêu gọi các tôn giáo đoàn kết cùng Chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược “Bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một”.

Từ những dẫn chứng trên, TS Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, tự bản thân các tôn giáo đều chứa đựng những giá trị nhân văn và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Tôn giáo khuyên bảo tín đồ cấm sát sinh là tránh đi việc chết chóc, bạo lực, xung đột, chiến tranh; không trộm cắp, không nói dối là giáo dục tín đồ ngay thẳng trong làm ăn, phát triển kinh tế, không gian tham đến tài sản người khác để hạn chế nguồn gốc của mâu thuẫn xã hội... Khi con người/tín đồ tránh được những điều xấu và tu tập những điều tốt thì không chỉ có được con người tốt, mà cả cộng đồng tốt và xã hội đều tốt. Điều đó góp phần tạo nên sự bền vững trong phát triển hệ giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.

Tư tưởng của các tôn giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu trong giáo dục tín đồ, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam trong xây dựng văn hóa gia đình, tế bào của xã hội. Đạo hiếu chính là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần khích lệ mọi người quan tâm lẫn nhau, phát huy giá trị nhân bản và lan tỏa yêu thương. Các tôn giáo đề cao giá trị gia đình, cùng với sự bao bọc của niềm tin tôn giáo làm cho các thành viên trong gia đình quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống, góp phần chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội. Giá trị đó của các tôn giáo đã đóng góp vào việc bồi dưỡng giá trị đạo đức văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam. Những chuẩn mực của tôn giáo góp phần không nhỏ trong việc duy trì nguyên tắc ứng xử của xã hội Việt Nam, rất hữu ích trong việc duy trì đạo đức, văn hóa xã hội.

Việc thực hành nghi lễ tôn giáo đã góp phần tạo lập và đoàn kết cộng đồng tín đồ. Các nghi lễ, thực hành niềm tin tôn giáo là phương cách mang mọi người đến gần với nhau hơn, ở đó giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo, dân tộc được giao lưu, trao truyền thường xuyên hơn. Việc thực hành nghi lễ tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Niềm tin tôn giáo tích cực đã tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần đồng thuận, tiến bộ xã hội.

Trong sinh hoạt tôn giáo, chức sắc luôn khuyên bảo tín đồ chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, trách nhiệm trong hoạt động kinh tế - xã hội. Ở đó, niềm tin đạo đức, giới răn, chuẩn mực của tôn giáo ảnh hưởng tích cực đến chủ thể làm kinh tế, đến mục tiêu, phương thức thực hiện. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế không xa rời đạo đức xã hội, trách nhiệm xã hội chính là đóng góp của tôn giáo trong hình thành văn hóa, xã hội, phát triể#n đất nước.

Các tôn giáo đã thể hiện giá trị đạo đức, văn hóa trong triết lý, giáo lý của mình trong thực tiễn bằng việc thực hiện tốt các phong trào do các bộ, ngành và các địa phương phát động, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, “Xây dựng chùa cảnh tinh tấn, gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, hay các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư... 

Đặc biệt, các hoạt động từ thiện xã hội được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức thể hiện tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc của con người Việt Nam “lá lành đùm lá rách”. 

Quyết Thắng và nhóm PV, BTV