Với đặc điểm của vùng đất ngã ba sông, huyện miền núi Tiên Yên (Quảng Ninh) không chỉ có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên mà còn có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm khá cao với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo của 13 dân tộc anh em (Dao, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu...). Các lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân và từng bước xây dựng thương hiệu Tiên Yên là điểm đến du lịch văn hóa, nơi kết nối sắc màu các dân tộc vùng Đông Bắc. Đây là nguồn lực nội sinh góp phần xây dựng huyện trở thành Trung tâm Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, tiềm năng trong phát triển du lịch bền vững, tiến tới tái lập thị xã trước năm 2027.
Đưa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vào trong các nhiệm vụ của Nghị quyết, Tiên Yên đã và đang tiếp tục xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội; phục dựng các lễ hội truyền thống; tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, khẳng định: Huyện Tiên Yên rất quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Huyện đã triển khai có hiệu quả các đề án về văn hóa, chú trọng đi vào văn hóa của 4 dân tộc chiếm dân số đông, 4 lễ hội lớn, bố trí nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong huyện.
Đối với việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể, năm 2006, tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên lần đầu tổ chức lễ hội cho bà con dân tộc qua Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ. Kể từ đó, hàng loạt các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số đã được phục dựng, tổ chức trên địa bàn huyện và nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Tháng 10/2018, huyện Tiên Yên đã khôi phục lại chợ phiên Hà Lâu tại xã Hà Lâu đã có từ năm 1965 và một thời gian bị mai một. Chợ phiên Hà Lâu không chỉ thu hút người Dao đến từ các thôn bản của Hà Lâu và các xã của huyện Tiên Yên, mà còn thu hút cả bà con các dân tộc đến từ huyện Bình Liêu và các huyện Đình Lập, Lộc Bình (Lạng Sơn) sang mua bán, trao đổi hàng hóa.
Cũng trong năm 2018, tại Phong Dụ, huyện Tiên Yên đã xây dựng Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, trên diện tích 17.625m2 gồm sân bãi, nhà văn hóa, công trình kiến trúc truyền thống nhà sàn 2 tầng, 5 gian và nhiều hạng mục khác.
Huyện đã thành lập được 9 CLB dân ca dân tộc thiểu số mang bản sắc văn hoá dân tộc (3 CLB hát then tại các xã Hà Lâu, Điền Xá, Phong Dụ; 2 CLB hát Soóng cọ tại các xã Đại Thành, Đại Dực; 3 CLB hát đối dân tộc Dao tại các xã Đông Ngũ, Yên Than, Hải Lạng; CLB văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số tại Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Tiên Yên). Các CLB này được huyện hỗ trợ đầu tư về nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Các CLB duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả trong các buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ thôn, xã, các lễ hội truyền thống và tham gia một số chương trình của huyện, tỉnh tổ chức.
Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, phong tục... được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục qua những lễ hội đặc sắc của các dân tộc, đảm bảo yếu tố gốc của lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo bà con nhân dân tham gia như: Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày (năm 2013, năm 2015), lễ hội cấp sắc của đồng bào Dao (từ năm 2012 đến nay), lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ (từ năm 2006 đến nay), lễ hội đua thuyền truyền thống của xã Đồng Rui, lễ đại phan của dân tộc Sán Dìu...
Câu chuyện ở Tiên Yên cho thấy, việc tổ chức các lễ hội trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Đây được coi là hướng đi để phát triển du lịch bền vững cho các địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa từ chính giá trị văn hóa của họ, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao hơn ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại.