- Nguồn phóng xạ bị thất lạc tại nhà máy xi măng Bắc Kạn được xếp ở mức nguy hiểm thấp nhất và không ảnh hưởng tới sức khỏe hay tính mạng con người. Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ (Bộ KHCN) xác nhận với VietNamNet.

Ông Tấn cho biết, nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Công ty cổ phần Ximăng Bắc Kạn (phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn) vào thời điểm khoảng 2 tuần trước. Sau khi phát hiện, Sở KHCN Bắc Kạn đã báo cáo UBND tỉnh và Cục An toàn Bức xạ.

{keywords}
Một nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Việt Nam.

Nguồn phóng xạ này là nguồn Cs-137, có chỉ số hoạt độ riêng rất thấp, chỉ khoảng 0,002 Curie, được xếp vào mức số 5 trong bảng quy chuẩn phân loại nguồn phóng xạ.

“Các nguồn có chỉ số hoạt độ riêng dưới 0,01 Curie được xếp vào mức nguy hiểm số 5, mức thấp nhất. Nguồn bị mất tại Bắc Kạn có chỉ số hoạt độ 0,002, nhỏ hơn mức số 5 rất nhiều nên không nguy hại tới sức khỏe hay tính mạng con người”, ông Tấn khẳng định.

Xác nhận thông tin này, PGS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật và Hạt nhân cho biết, với hoạt độ riêng ở mức 0,002 Curie thì nguồn phóng xạ tại nhà máy xi măng Bắc Kạn sẽ không nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng con người.

“Với hoạt độ 0,002 Curie thì rất nhỏ vì nhiều nguồn phóng xạ trong bệnh viện có hoạt độ lên tới vài trăm, thậm chí là vài ngàn Curie”, PGS Trần Thanh Minh cho hay.

Hiện tại, tỉnh Bắc Kạn đang xử lý sự cố mất nguồn theo quy định. Cục An toàn Bức xạ hạt nhân đã cử người với các phương tiện tốt nhất để hỗ trợ tìm kiếm, ông Tấn thông tin.

Nguồn phóng xạ bị thất lạc chỉ có kích thước bằng hạt đậu được đặt trong một bình chứa bằng chì nặng cỡ 5-7kg. Do đó, có thể người dân nào đó không biết đó là nguồn phóng xạ mà chỉ lấy bình chì bên ngoài.

Ông Tấn cũng cho biết, nguồn phóng xạ bị thất lạc trong thời gian nhà máy xi mắng Bắc Kạn ngừng hoạt động, bị phát mãi và ngân hàng đang quản lý nhà máy do đó trách nhiệm để thất lạc nguồn phóng xạ thuộc về chủ cũ của và cả phía ngân hàng đang tiếp quản nhà máy.

Hiện tại, các đơn vị liên quan sẽ cố gắng hết mức để tìm kiếm nguồn phóng xạ thất lạc. Còn về phía quản lý thì chủ cũ của nhà máy xi măng cũng như ngân hàng quản lý nhà máy trong thời gian phát mãi sẽ phải chịu phạt theo quy định pháp luật.

Đây không phải là lần đầu tiên nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Việt Nam. Trước đó, đã có khá nhiều nguồn phóng xạ bị thất lạc, trong đó có những nguồn phóng xạ nguy hiểm. 

Gần đây nhất, tháng 4/2015, nhà máy thép Pomina ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị thất lạc nguồn phóng xạ và đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Ông Vương Hữu Tấn cho biết, hiện tại việc gắn chip theo dõi các nguồn phóng xạ đang được sử dụng tại Việt Nam đã được tiến hành, tuy nhiên, chỉ thực hiện đối với những nguồn phóng xạ có hoạt độ cao, nguy hiểm. Những nguồn phóng xạ không nguy hại như tại nhà máy xi măng Bắc Kạn không cần thiết phải gắn chip theo dõi, ôn Tấn thông tin.

Hiện có hơn 6.000 nguồn phóng xạ các loại đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra còn 1.867 nguồn không còn sử dụng đang được lưu giữ tại cơ sở hoặc được chuyển đến cơ sở làm dịch vụ để lưu giữ lâu dài. 

Hiện có khoảng 80 cơ sở sử dụng các nguồn phóng xạ khác nhau trong cả nước, chia làm 2 nhóm. Trong đó, có 24 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ nhóm A (hoạt động phóng xạ mạnh), phục vụ cho việc nghiên cứu, chiếu xạ công nghiệp, xạ trị y tế... Bên cạnh đó, còn có 56 cơ sở sử dụng phóng xạ nhóm B, chủ yếu sử dụng trong công nghiệp.

Lê Văn

TIN LIÊN QUAN