Năm 2025 là thời khắc báo chí cách mạng Việt Nam hân hoan chào đón dấu mốc lịch sử 1 thế kỷ xây dựng và phát triển. Cơ hội thì nhiều, thách thức cũng không ít, nhưng quan trọng là các cơ quan báo chí phải thật sự sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, theo kịp đổi mới, thậm chí dẫn dắt đổi mới, để tạo được nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp đất nước bay lên hùng cường, thịnh vượng.

100 năm rực rỡ dưới cờ Ðảng

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã khai sinh nền báo chí cách mạng bằng sự ra đời tờ Thanh Niên, ngày 21/6/1925. Sau đó, Bác cũng sáng lập và chỉ đạo thành lập các tờ Dân chúng, Cờ Giải phóng, báo Sự thật - hiện nay là báo Nhân Dân, Việt Nam độc lập, Cứu quốc...

Hồ Chủ Tịch  gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5_1968 duotone..jpg
 Hồ Chủ tịch gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (tháng 5/1968).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Báo chí ra đời và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin, giao lưu văn hóa, tư tưởng, phát triển kinh tế, chính trị. Tại buổi nói chuyện tại Ðại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. “Ðối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để đảng viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới” (Báo Nhân Dân, ngày 24/4/1965). Người nhấn mạnh, nhà báo phải có dũng khí, có “lập trường chính trị vững chắc”, “chính trị phải làm đúng. Ðường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”.

Thấm nhuần những huấn thị, lời dạy của Bác, Ðảng ta luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho báo chí phát triển. Gần 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang được Ðảng, Nhà nước giao phó, gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ðảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện để đảm bảo quyền tự do báo chí cho mọi tổ chức, cá nhân. Việt Nam xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo người dân mọi vùng miền đều có khả năng truy cập Internet. Tính đến thời điểm đầu năm 2024, Việt Nam đã có tới 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; 92,7% người dùng Internet sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội. Từ sự phát triển của Internet, hệ thống truyền thông mạng cũng phát triển mạnh. 

Theo “Ðề án chuyển đổi số quốc gia”, các cơ quan báo được tạo điều kiện chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường Internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo… xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe, nhìn, đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng.

Như vậy, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ Ðảng vĩ đại, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua gần 100 năm với những thành tựu rực rỡ, cho thấy rõ sự nỗ lực, quyết tâm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, khó khăn của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. 

Dấu ấn đậm nét từ góc độ quản lý

Bắt đầu từ năm 2023, việc số hóa hoạt động báo chí đã được đưa vào chiến lược, quyết định, kế hoạch của Chính phủ, Bộ TT & TT. Sau Quyết định phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT & TT đã ban hành nhiều Quyết định về chuyển đổi số báo chí, bao gồm: Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2023 cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan truyền thông, báo chí; Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; ra mắt Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí...

Có thể khẳng định, những chính sách trên là điểm tựa về mặt chính trị, pháp lý để các cơ quan báo chí có cơ sở tiến hành chuyển đổi số, vạch định đường lối phát triển, có chủ trương rõ ràng trong đầu tư nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính. Căn cứ vào Chiến lược chuyển đổi số, các cơ quan báo chí hướng đến mục tiêu phát triển chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

7 TCCS 1.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2024.

Bằng sự quyết tâm của các cơ quan báo chí, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ TT & TT, sự hỗ trợ của UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam đã được khoác lên mình một bộ áo mới, hiện đại hơn, sinh động hơn, nhiều tính năng. Năm 2023, có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cho đơn vị, trong đó có 10 cơ quan đạt mức Xuất sắc. Sang năm 2024, đã có 28 cơ quan báo chí đạt mức Xuất sắc; số lượng cơ quan đạt mức Khá là 55 đơn vị, tăng 6.3% và số đơn vị đạt mức Trung bình giảm.

Trong câu chuyện chuyển đổi số báo chí, Bộ TT & TT cũng đã ứng dụng chuyển đổi số quản lý để kết nối online với các cơ quan báo chí, thực hiện “quản lý không tiếp xúc”. Phần mềm rà quét nội dung số giúp Bộ “bắt mạch” được sức khỏe thông tin của từng tòa soạn nhanh chóng, chính xác, phát hiện ngay lập tức, xử lý nghiêm minh tình trạng ẩn bài, gỡ bài, tin sai, tin giả, tin bẩn… Phần mềm đo lường dữ liệu công chúng cũng giúp cơ quan quản lý báo chí kiểm soát dễ dàng mức độ lan tỏa của bài báo, tờ báo, xu hướng tiêu dùng thông tin và nhận thức của người đọc…

Thách thức trong kỷ nguyên số 

Trong bối cảnh chuyển đổi số, báo chí nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nhu cầu công chúng thông minh, và thậm chí, sự thiếu một khung pháp lý chuẩn cho báo chí hoạt động... đang đòi hỏi những tư duy mới, hành động mới của các ban biên tập. 

Theo báo cáo mới nhất của We Are Social về tình hình thị trường kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2024, Internet đã thâm nhập 79.1% dân số. Cũng theo báo cáo này, thời gian sử dụng Internet trung bình ở nước ta là 6 giờ 23 phút/ngày. Số lượng người truy cập mạng tăng lên như vậy, nhưng số liệu của Bộ TT & TT công bố gần đây lại cho thấy, lượng truy cập toàn hệ thống báo chí điện tử chính thống giảm trên 10%. Hầu hết các cơ quan báo chí dường như đang giảm sức hút công chúng trong “cuộc đua” với mạng xã hội. Lượng truy cập báo chí đến từ công cụ tìm kiếm của người đọc chỉ còn khoảng 50% so với 5 năm trở về trước. 

Ở góc độ công nghệ, công nghệ Extended Reality (XR), còn gọi là thực tế ảo mở rộng, và Facebook với Metaverse - vũ trụ ảo, sẽ trở thành hiện thực trong 3-5 năm nữa. Nhà báo AI có thể làm mọi việc thay thế nhà báo con người, với năng suất cao hơn, thậm chí chất lượng tốt hơn. 

Trước những thách thức hiện hữu đó, các tòa báo không còn cách nào khác, phải tư duy lại hoạt động của mình. Tổ chức lại khu vực nhân sự, đào tạo phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên chất lượng cao, phân bổ tài chính, kinh phí, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phù hợp… là những việc bắt buộc phải làm, làm nhanh, làm mạnh. 

Các cơ quan báo chí còn cần sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng tiếp nhận… 

Dưới góc độ quản lý, để hỗ trợ báo chí, Nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi Luật Báo chí hiện hành. Luật của bối cảnh chuyển đổi số nên là “Luật truyền thông”, trong đó, bổ sung hệ thuật ngữ báo chí truyền thông số, xác định rõ các loại hình sản phẩm/ dịch vụ trên đa nền tảng; định hướng rõ mô hình và phương thức hoạt động, yêu cầu chất lượng nguồn lực, trách nhiệm của cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản; quy định rõ vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ số, khai thác dữ liệu công chúng, an ninh thông tin, văn hóa truyền thông số…

Ngoài khung pháp lý, Nhà nước còn cần tính toán một cách nghiêm túc, khả thi về hỗ trợ về hạ tầng công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực… Nếu trước đây, quản lý báo chí chỉ là xây dựng chính sách, thì giờ đây, phải làm thêm nhiệm vụ thực thi chính sách. Quản lý không thể đứng trên cơ quan báo chí, đứng xa cơ quan báo chí, mà phải xắn tay cùng làm, hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển bằng những hành động thực chất, có như vậy mới quản lý tốt được.

Ðất nước đang vươn mình đón bắt những thời cơ, vận hội mới trong năm mới 2025. Năm 2025 cũng là thời khắc báo chí truyền thông Việt Nam hân hoan chào đón sự kiện, dấu mốc lịch sử 1 thế kỷ xây dựng và phát triển. Cơ hội thì nhiều, thách thức cũng không ít, nhưng quan trọng là các cơ quan báo chí và quản lý báo chí phải thật sự thông minh, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, theo kịp đổi mới, thậm chí dẫn dắt đổi mới, để tạo được nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp đất nước bay lên hùng cường, thịnh vượng.

PGS,TS. Trương Thị Kiên

Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền