Gần đây, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân nam 31 tuổi chuyển tới Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.

Năm 2020, người này đã có tiền sử chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị. Sau một thời gian, anh thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị và có sử dụng thuốc lá, bia, rượu.

BS Dung tham kham cho bn dot quy.png
Bác sĩ Dũng kiểm tra cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, khi tiếp nhận, huyết áp của người bệnh liên tục tăng cao. Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất. 

Trường hợp này khó có thể tiến hành phẫu thuật do đã chảy máu cả 2 bên não và hôn mê sâu. Bác sĩ chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa nhưng người đàn ông này liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.

Chảy máu não thường đột ngột, diễn biến nhanh. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch… Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ, phần não liên quan không thể hoạt động được dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%). Xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nếu còn sống sót, bệnh nhân dễ bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng tàn phế rất nặng nề. 

Theo bác sĩ Dũng, tỷ lệ mắc đột quỵ ở người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 10-15%, dưới 50 tuổi là 15 - 20% trên tổng số ca bệnh đột quỵ. Trên thế giới cứ 100.000 người dưới 50 tuổi thì có 15 người bị chảy máu não ít nhất 1 lần.

Bác sĩ khuyến cáo, khi có dấu hiệu của đột quỵ (FAST), người dân cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên môn về cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt.

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Người trẻ nếu đã phát hiện tăng huyết áp cần duy trì thuốc thường xuyên, suốt đời, tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám lại định kỳ để điều chỉnh thuốc và phát hiện sớm các biến chứng. Những bệnh nền này nếu không được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị đúng, đến lúc bùng phát, kết hợp với các yếu tố khác sẽ dẫn tới đột quỵ, nguy cơ biến chứng, di chứng nặng nề.

Info VNN So cuu dot quy.jpg