Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, tầm quan trọng của thị trường nội địa, một yếu tố chính của chiến lược lưu thông kép mới, đã được nhấn mạnh trong thông cáo về cuộc họp làm việc toàn quốc cuối tuần trước - cuộc họp đầu tiên do tân Bộ trưởng Vương Văn Đào chủ trì.
Tân Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
"Chúng tôi sẽ nâng cao nhu cầu trong nước, cố gắng đẩy mạnh tiềm năng tiêu thụ, xây dựng một hệ thống lưu thông hiện đại, xóa bỏ những trở ngại đối với lưu thông trong nước, và cuối cùng sẽ hình thành một thị trường nội địa mạnh mẽ", Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định trong thông cáo.
SCMP cho biết, việc bổ nhiệm ông Vương Văn Đào, cựu lãnh đạo Hắc Long Giang từng có hai thập niên ở Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc, vào vị trí Bộ trưởng Thương mại đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 26/12. Ông lên thay ông Chung Sơn, người sắp nghỉ hưu ở tuổi 65.
2020 đã được chứng minh là một năm tốt cho cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc, bất chấp cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra từ đầu năm. Xuất khẩu của Trung Quốc nhanh chóng phục hồi khi nước này kiểm soát được dịch bệnh trong khi các nền kinh tế lớn khác bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 11, xuất khẩu tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 năm, lên 268 tỷ USD. Trong khi, tổng kim ngạch từ tháng 1 đến tháng 11 tăng 2,5% lên 2,32 nghìn tỷ USD. Thành tích này đã góp phần nâng cao mức tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc lên 4,9% trong quý 3.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, nước này đã củng cố vị thế của mình như một cường quốc về thương mại, đầu tư nước ngoài và quản trị toàn cầu trong 5 năm qua. Bộ cũng thông báo sẽ tìm cách ổn định quan hệ thương mại với các đối tác quan trọng truyền thống, "tăng cường hợp tác với các nước Vành đai và Con đường, đồng thời củng cố hợp tác song phương trên các nền tảng mở ở một cấp độ cao hơn".
Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ là cơ quan then chốt theo đuổi mục tiêu của đất nước là tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Theo SCMP, trọng tâm dồn vào nhu cầu trong nước được nêu trong tuyên bố mới trái ngược với tuyên bố hồi năm ngoái là tập trung vào các nỗ lực giải quyết cuộc thương chiến với Mỹ.
Tuy nhiên, những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu cùng các chính sách mà chính quyền mới của ông Joe Biden triển khai sẽ tiếp tục tác động đến thương mại và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Do vậy, chiến lược lưu thông kép là cách để giải quyết những vấn đề tiềm ẩn này, biến nhu cầu trong nước thành động lực chính của phát triển trong 15 năm tới.
"Sự gia tăng nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc sản xuất do đại dịch gây ra chỉ là một cơn gió thoảng, bởi những thay đổi trong mô hình tiêu dùng toàn cầu vẫn diễn ra do các đợt bùng phát virus mới", SCMP dẫn nhận định hồi đầu tuần này của Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế Trung Quốc cấp cao tại Quỹ Capital Economics. "Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ vẫn ở trên xu hướng một thời gian… Vẫn còn nhiều khoảng trống cho tiêu dùng trong nước tăng tốc, khi các hộ gia đình giảm bớt tiết kiệm mà họ tích lũy được trong năm nay".
Dong Chen, nhà kinh tế cấp cao châu Á tại Pictet Wealth Management, viết trong một ghi chú: "So với sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và sản xuất, sự phục hồi của tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc, đặc biệt là dịch vụ, tương đối chậm. Nhưng vào năm 2021, chúng tôi kỳ vọng mức tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ tăng cao khi mối quan tâm về Covid-19 giảm dần và chính phủ có các biện pháp kích thích nhắm vào các hộ gia đình".
Thanh Hảo
Dự báo bất ngờ về kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó.
Trung Quốc gặp khó với "dự án thế kỷ"
Hiện có các dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc dường như đang thụt lùi trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng, vốn được gọi là kế hoạch phát triển lớn nhất thế giới.