Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp tiếp tục giới thiệu với công chúng thủ đô triển lãm thứ hai cũng mang tên “Độc thoại” từ 12-21/5/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình nghệ sĩ có tiếng. Bố ông là nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc. Mẹ ông là bà Trần Thị Bảo, nhà pha chế mầu tại Xưởng phim hoạt hình Việt Nam và anh trai là nhạc sĩ Nguyễn Việt Bình.
Tục ngữ có câu: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”. Không biết ông giống được cha mẹ mình đến đâu, song có một điều thú vị là trong bài hát “Lời du tử” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc sáng tác năm 1944 có câu “…Ta buồn chỉ có mình ta…”, trong bài hát “Độc hành” của nhạc sĩ Nguyễn Việt Bình có câu “…độc hành, độc hành, chỉ mình ta…” và triển lãm của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp đã hai lần mang tên “Độc thoại”.
Cái cô đơn ấy, cô đơn trong “Lời du tử”, trong “Độc hành” và trong “Độc thoại” phải chăng là nỗi cô đơn muôn thủa của người nghệ sĩ nói chung và của nhạc sĩ và họa sĩ nói riêng? Có lẽ trong cô đơn, người nghệ sĩ, người cầm bút được thăng hoa để có thể tạo ra những tác phẩm để đời, bất hủ? Ta hãy lắng nghe tâm sự của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp: “Đi vào hướng nội. Càng tìm thấy ngã của mình bao nhiêu lại càng cô đơn bấy nhiêu. Khi cô đơn ngập tràn cũng là lúc trở nên cô độc. Phải chăng đến, thấu hiểu cô đơn, nằm mật với cô độc, người nghệ sĩ có đủ đức tin để tạo ra một thế giới nghệ thuật mới”. Chính vì thế 5 tháng sau triển lãm Độc thoại lần thứ nhất, bây giờ ông lại tiếp tục ra mắt triển lãm Độc thoại lần thứ 2.
Độc thoại số 32, chất liệu tổng hợp. |
Với người xem, tranh của họa sĩ dường như không cô đơn mà cũng chẳng cô độc vì không ít người thấy mình trong bức Độc thoại số 32 ở trên. Còn đâu là mũi với miệng? Các cơ mặt cứ cuồn cuộn chen chân di chuyển không ngừng. Nhưng rồi khuôn mặt, những mớ tóc mang hình cành cây mềm mại được vuốt ngược lên và tỏa ra theo hình chữ V nằm trọn trong những mảng mầu trắng làm dịu đi rất nhiều cơn thịnh nộ trước những điều ngang trái. Khuôn mặt đầy biểu cảm, ấn tượng này là một phần của cuộc sống bởi trong cuộc sống luôn có nó, thấy nó.
Độc thoại số 17, màu nước trên giấy Dó. |
Hơn 30 tác phẩm trình làng lần này của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp được vẽ trên giấy Dó và chất liệu tổng hợp. Tranh Độc thoại số 32 rất đẹp. Tuy vậy, tranh giấy Dó vẫn là sở trường của ông. Bức tranh Độc thoại số 17 lại mát mắt, dễ chịu, do hình, ý, kỹ thuật vẽ trên giấy Dó và mầu sắc hòa quyện vào nhau đến lạ kỳ. Đôi mí mắt khép lại như trạng thái người đang ngủ, đang tận hưởng những cung bậc êm dịu của cuộc sống và những thành quả của lao động do chính đôi bàn tay con người mang lại.
Ngoài ra triển lãm còn giới thiệu hơn 30 tác phẩm đặc sắc khác nữa của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp. Triển lãm mở cửa đến 21/5/2016.
Hoàng Hoa Mai