- Có em đến trường, mới học đến tiết 3 thì nằm gục xuống bàn. Cô giáo chạy xuống hỏi mới biết sáng con chưa ăn sáng. Nhà con bị lũ cuốn hết, chẳng còn gì mà ăn.
"Nhiều học sinh không thể đến trường vì đói"
Chúng tôi về rốn lũ Tuyên Hóa 4 ngày sau khi lũ rút. Thầy trò ở các điểm trường, dù là nơi lũ cao nhất cũng đã đi học trở lại. Nhưng dấu vết của trận lũ lịch sử dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Đón chúng tôi bên bờ sông Gianh là cô Nhi, giáo viên của Trường Tiểu học số 2 Phong Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Ngồi sau xe máy, hỏi ra mới biết Nhi sinh năm 1995, năm nay mới 22 tuổi. Nhà của Nhi ở tận Lệ Thủy, cô vừa chuyển tới trường. Con đường dẫn vào trường vẫn lầy lội đầy những bùn đất.
Sách vở của học sinh bị ngập trong lũ nay được đem phơi ở sân trường. |
Cô Phạm Thị Lệ Thủy, Phó hiệu trưởng phụ trách trường cho biết, trường có 15 giáo viên thì có 8 thầy cô ở bên kia sông, 5 thầy cô là người địa phương, 2 thầy cô còn lại vừa mới chuyển đến, vẫn đang ở trong trường.
Những ngày lũ về các thầy cô phải ở trường đưa sách vở, tài liệu, thiết bị… lên tầng hai để tránh lũ chẳng còn thời gian lo cho gia đình mình. Gia đình nhiều thầy cô cũng bị ngập, có nhà chỉ còn lại mỗi cái giường. Thế nhưng lũ vừa rút các thầy cô lại tập trung dọn dẹp để học sinh có thể đến trường.
Cả trường có tất cả 146 học trò thì có 95 trò thuộc diện hộ nghèo. Lũ đến rồi đi, nhưng nghèo thì càng nghèo thêm. Nhà nhiều trò ăn còn không đủ nên cũng chẳng màng việc đến trường.
"Có em đến trường, mới học đến tiết 3 thì nằm gục xuống bàn. Cô giáo chạy xuống hỏi mới biết sáng con chưa ăn sáng. Nhà con bị lũ cuốn trôi hết, chẳng còn gì mà ăn" - cô Thủy nghẹn ngào.
Cô Thủy cho biết, lo nhất là các em vì khó khăn mà bỏ học. Các thầy cô trong trường cũng cố gắng đến nhà các em động viên gia đình, động viên chính các em để các em không bỏ học.
"Nhiều học sinh đến trường mà không còn sách vở, đồng phục vì bị lũ cuốn hết. Chúng tôi phải huy động thầy cô mua tạm cho các em sách vở để động viên các em tới trường".
Biết nhiều trò thuộc hộ nghèo nhưng khi đến nhà các em, chính các cô cũng ngỡ ngàng, không ngờ nhà các em lại nghèo đến thế.
Em Sỹ cùng bà ngoại và 3 chị em sống trên chiếc lồng cá những ngày sau lũ. |
Cô Thủy kể, có nhà như em Nguyễn Ngọc Sỹ, học sinh lớp 5 của trường, bị bố mẹ bỏ rơi từ năm 3-4 tuổi, ở với ông bà ngoại nay đã ngoài 80. Đầu năm nay, đứa con gái bà lại gửi về 3 đứa con nhỏ. Một mình bà ngoại chèo đò đưa người qua sông kiếm vài chục ngàn mỗi ngày nuôi 6 miệng ăn.
Những ngày sau lũ, 5 bà cháu sống trên chiếc lồng cá trên sông, tài sản duy nhất của cả nhà. Căn nhà cũ trống huếch hoác, chỉ có một chiếc giường bám đầy bùn đất sau lũ.
Hay như nhà của em Trần Ngọc Bình Dương, nhà có 4 anh chị em, mẹ có dấu hiệu của người thần kinh, bố đi làm thuê 1 tháng lương hơn 2 triệu nuôi cả 5 mẹ con. "Trong nhà chỉ có duy nhất 2 cái bóng điện tròn. Nói không ai tin nhưng đến giờ mà gia đình em vẫn phải ăn cháo qua ngày" - cô Thủy nói.
Thương học trò, các thầy cô đã cố gắng vận động, kêu gọi hỗ trợ để tìm cách hỗ trợ cho các em. Cô Thủy cho biết, những ngày qua, nhiều đoàn hỗ trợ đã đến trường, hỗ trợ cho các em học sinh tiền, gạo, sách vở, cặp xách.
"Trường chỉ có 146 học sinh nên hôm qua đây chúng tôi đã chuyển hơn 700 chiếc cặp xách và 300 bộ vở cho các điểm trường khác" - cô Thủy nói, đồng thời cho biết, thầy cô nơi đây trân trọng từng món quà nhỏ nhưng hy vọng mọi người sẽ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn tới cuộc sống của những em học sinh khó khăn sau lũ.
"Chỉ mong xây cho các con ngôi trường vượt lũ"
Cô giáo Trần Thị Chiên, Hiệu trưởng Trường mầm non Phù Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, mong muốn lớn nhất của cô cũng như giáo viên nhà trường lúc này là xây được cho các con một ngôi trường vượt lũ (trường 2 tầng).
Hiện trường có gần 200 học sinh nhưng phải học ở 3 điểm trường khác nhau. Thế nhưng, ba điểm trường lại chung nhau một bếp ăn thành ra mỗi ngày 2 lần, các cô lại phải chở cơm từ bếp ăn xuống các điểm trường.
27 cô trò ăn, ngủ chỉ có một chiếc quạt mượn của người dân đặt giữa phòng. |
Có điểm trường chỉ là một căn nhà cấp 4 hai gian, nằm giữa cánh đồng. Lớp chỉ có 25 học sinh. Căn nhà xây đã 10 năm bằng gạch xi măng trộn đá. 10 năm nước lũ khiến nó mủn hết ra. Cô Chiên nói tường ở đây đóng đinh không cần dùng búa, chỉ cần dùng tay ấn một cái là được. Các con nằm ngủ mà cô chỉ lo bụi rơi vào mắt.
Điểm trường có 25 học sinh theo quy định chỉ cần 1 giáo viên nhưng các cô nói phải cử 2 cô giáo để thay nhau đi chở cơm. Hơn nữa, có 2 cô thì buổi trưa cũng đỡ buồn. Vả lại trường ở giữa đồng nên nhiều hôm rắn còn bò vào đến cửa, có 2 cô cũng đỡ sợ.
Chúng tôi đến lớp học đúng vào giờ cơm trưa của lũ trẻ. Lớp học có 4 cái quạt treo tường thì lũ cuốn cả thành ra 27 cô trò ăn cơm, ngủ trưa chỉ có mỗi cái quạt đặt giữa phòng. Cô giáo ở đây nói cái quạt được người dân cho mượn. Lũ vừa rút nên quạt mới vẫn chưa kịp mua.
Căn bếp của ngôi trường mầm non được đặt trong phòng tạm cạnh khu lớp học. Cô Chiên kéo tay tôi vào khu nấu đặt trong cùng, chỉ cho tôi xem mực nước lũ trên sát nóc nhà. Một phần không gian của khu nấu nướng đã được chia ra làm khu vệ sinh, ngăn nhau chỉ bằng một bức tường thấp.
Lối vào nhà vệ sinh của lũ trẻ và cả các thầy cô nằm ở bên ngoài chỉ chừng 40cm, sâu hu hút. Người lớn muốn vào phải hơi nghiêng người một chút. Bên trong có phân thành ô vệ sinh nam và nữ nhưng ô dành cho nam đã bị trưng dụng để đặt 2 cánh cửa đã hỏng. 65 cô trò ở điểm trường chỉ dùng một ô vệ sinh cho nữ.
Sau khi dẫn chúng tôi đi xem cả 3 điểm trường, cô Chiên rơm rớm nói rằng, cô cũng vừa mới chuyển đến trường được 2 tháng thì lũ về. Cô nói cô đã đi qua nhiều trường mầm non nhưng có lẽ đây là trường nghèo nhất của Quảng Trạch mà cũng là Quảng Bình.
"Ngay cả ở những vùng cao cũng có nhà cao tầng hết rồi chứ không như trường này" - cô Chiên nói. "Khi mới sang trường, tôi đã khóc. Khóc vì thấy học sinh khổ quá, giáo viên vất vả quá".
Vất vả, khó khăn là vậy nhưng lũ trẻ ở đây thì rất ngoan. Chúng nó ngồi thành hàng trước bức tường vẫn còn hằn rõ mực nước lũ cao gần nóc nhà, chào râm ran khi có người lạ bước vào.
Chúng tôi bắt gặp cậu bé 4 tuổi bối rối khi thấy người lạ vào trường ở hành lang lớp học. Tôi hỏi: "Hôm trước lũ, nhà con có sao không?" Nó nói gì đó bằng giọng Quảng Bình, nghe không rõ, chỉ láng máng là: "Đồ đạc nhà con tan tành hết!" Tôi lại hỏi: "Thế con có sợ không?" Đôi mắt trong veo của nó ngơ ngác nhìn lên nóc nhà.
Nó nói nó tên Nguyễn Chí Phong. Cái tên rất đẹp.
Lê Văn