Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (tức HoREA) vừa phát đi báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2016 và dự báo cho năm 2017. Nhiều phân tích cho thấy, thị trường tại TP.HCM có nhiều… bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Rủi ro… bủa vây người mua nhà dự án
Trong báo cáo trên, HoREA chỉ ra một số doanh nghiệp chưa được sở Xây dựng chứng nhận đủ điều kiện nhưng đã bán nhà hình thành trong tương lai cho người tiêu dùng, đã tiềm ẩn những rủi ro cho người mua nhà.
Theo tìm hiểu, tình trạng trên khá phổ biến. Thực tế chủ đầu tư, đơn vị bán hàng “chơi chiêu trò” khi núp bóng dưới dạng hợp đồng đặt chỗ.
HoREA khuyến cáo, có tình trạng những dự án chưa đủ điều kiện sử dụng, chưa có hệ thống PCCC, chưa đảm bảo an toàn nhưng đã bàn giao cho người mua nhà; nhiều trường hợp người mua nhà nhiều năm vẫn chưa được chủ đầu tư làm "sổ đỏ"; hoặc có trường hợp chủ đầu tư đem thế chấp căn hộ đã bán. Đây là vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng, HoREA có ý kiến đề nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có biện pháp xử lý các chủ đầu tư đã vi phạm...Bà Nguyễn Thị Phượng Hồng – mua căn hộ 1.14 chung cư Flora Anh Đào, đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9, vừa khởi kiện chủ đầu tư dự án, là công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Nguyên Phúc thuộc tâp đoàn Nam Long, yêu cầu bồi thường 100% giá trị căn hộ, tức hơn 1,1 tỷ đồng. Nguyên cớ bà Hồng khởi kiện thì bà cho rằng, chủ dầu tư bàn giao căn hộ cho bà khi chưa đủ điều kiện sử dụng, vừa dọn ở thì bị hư hại, tường nứt ngang dọc, trần bong tróc…
Hay như chuyện giữa năm qua, hàng loạt cư dân tòa nhà The Harmona, Q.Tân Bình đã… phản ứng, khi 1 ngân hàng phát đi thông báo thu hồi tài sản là dự án, khi mà chủ đầu tư, là Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) đã thế chấp để vay vốn. Từ chuyện đụng đến quyền lợi rất đông người dân như trên, UBND TP.HCM đã phải can thiệp, trấn an cư dân, đề nghị các bên phải ngồi lại giải quyết nhanh, dứt điểm.
Khách hàng giám sát dự án là cần thiết
Nhiều nội dung kiến nghị của HoREA đưa ra được cho là nỗ lực tạo ra một môi trường phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch. Tuy nhiên trong 1 nội dung mà HoREA kiến nghị sửa điều 58 luật Kinh doanh bất động sản có nhiều chuyện đáng bàn, khi dính đến quyền lợi số đông người mua nhà.
Trong phân tích kiến nghị, HoREA cho rằng, điều 58 nói trên đã trao quyền cho khách hàng quá lớn, quá mức cần thiết. Điều này còn có nội dung cho phép khách hàng có quyền kiểm tra việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế thi công tại công trình mà thực tế luật Xây dựng thì cho rằng, khu vực thi công công trình là khu vực nguy hiểm, hạn chế người không có nhiệm vụ ra vào.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM còn nhận định, chiếu theo điều 58 luật Kinh doanh bất động sản có thể dẫn đến việc khách hàng có quyền yêu cầu thường xuyên kiểm tra từng chứng từ, từng hóa đơn tài chính, kiểm tra từng công đoạn thi công; buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải trình. Mà hiệp hội nhận định, trong khi đó chủ đầu tư phải tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm an toàn cho thi công, và đã có các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn giám sát thi công, giám sát quyền tác giả, có sự giám sát của cơ quan thanh tra xây dựng, cơ quan thuế, đơn vị kiểm toán, chưa kể đến hoạt động giám sát nội bộ của doanh nghiệp.
Người dân kiểm tra thực tế công trình, dự án đang đặt tiền để mua sẽ góp phần nào hạn chế được những rủi ro |
Trên cơ sở đó HoREA nhìn nhận, quyền của khách hàng và nghĩa vụ của chủ đầu tư cần được quy định hợp lý hơn. Đơn vị này có kiến nghị sửa đổi điều 58 Luật Kinh doanh bất động sản “theo hướng trao quyền cho khách hàng được biết rõ thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng, được quyền tham quan công trình của dự án, và chủ đầu tư có nghĩa vụ tạo điều kiện cho khách hàng thực hiện các quyền này thì hợp lý hơn”.
Các chuyên gia thì cho rằng, với đại đa số người dân để có tiền tỷ mua nhà, căn hộ thì được xem là gia tài 1 đời. Do đó các nhà làm luật quy định tại điều 58 luật Kinh doanh bất động sản là “bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng, việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình”, là hoàn toàn hợp lý, nhằm đảm bảo người dân biết được đồng tiền của mình đặt có đúng chỗ, đảm bảo được giao nhà, căn hộ đúng như hợp đồng ký kết; và việc giám sát như thế nếu có rủi ro xảy ra thì khách hàng kịp thời nắm thông tin để nhanh chóng xử lý, tránh… lún sâu.
Các chuyên gia, chuyện khách hàng muốn kiểm tra thực tế công trình cũng dễ hiểu và hoàn toàn bình thường, nếu được người của đơn vị có nhiệm vụ tại công trình bố trí, hướng dẫn, tránh khu vực nguy hiểm…
Thực tế nhiều dự án giao nhà không đúng hạn hay có tranh chấp khác, người mua vẫn chịu thiệt, còn chủ đầu tư nắm… tiền của người mua, tức là đã nắm… cán dao. Dù luật quy định thế, nhưng không phải khách hàng mua nhà, căn hộ này cũng sử dụng các quyền hợp pháp đó và các chủ đầu tư, nhà phân phối có nhiều chiêu trò để đối phó, lách luật.
Đã có nhiều vụ việc cụ thể xảy ra, dân đóng tiền nhiều năm dự án vẫn là bãi đất trống hay các dự án chậm giao nhà, chất lượng công trình…. tệ hại. Khi đó dân chỉ biết kêu trời, kiện cáo thì thủ tục rườm rà, phức tạp, kéo dài, thiệt hại ngày càng trầm trọng.
Anh Sinh