Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố mới đây cho biết nhu cầu vàng toàn cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 đạt 1.833,1 tấn, giảm 10% so với nửa đầu năm 2020.
Trong đó, nhu cầu đầu tư vàng, bao gồm vàng thỏi, đồng xu vàng và quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng đạt 455,9 tấn, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2020, thời kỳ mà lượng vốn rót vào các quỹ ETF vàng đạt mức kỷ lục.
Nhu cầu vàng toàn cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 đạt 1.833,1 tấn, giảm 10% so với nửa đầu năm 2020. (Ảnh minh họa: Bloomberg) |
Sự suy giảm nhu cầu đầu tư vàng diễn ra song song với đà lao dốc của giá kim loại quý này trong nửa đầu năm. Trong 6 tháng, giá vàng đã mất 6,6% giá trị.
Các ETF vàng đã bán ròng 129,3 tấn vàng trong kỳ báo cáo, trái ngược với lượng mua ròng lớn chưa từng thấy 731,2 tấn cùng kỳ năm 2020, WGC cho hay.
Ông Juan Carlos Artigas, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của WGC, cho biết các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng trong nửa đầu năm, nhưng lượng mua ròng này không bù lại được mức bán ròng của các ETF vàng.
Theo ông Artigas, xu hướng bán ròng của các ETF vàng là hệ quả của lợi suất trái phiếu tăng lên hồi đầu năm và tâm lý ham thích rủi ro quay trở lại thị trường tài chính khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
"Trong quý II, các ETF vàng mua ròng trở lại, nhưng không đủ để bù lại lượng bán ròng trong quý I", ông Artigas cho biết thêm.
Cũng theo báo cáo của WGC, lượng mua ròng của các ETF vàng trong quý II là 40,7 tấn, chưa bằng 1/10 so với lượng mua ròng 426,5 tấn trong quý II/2020. Trong quý II/2020, các ETF vàng ồ ạt mua ròng do các ngân hàng trung ương trên toàn cầu ồ ạt cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế khi COVID-19 mới trở thành đại dịch, nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao và giá vàng tăng.
Trong khi đó, các ETF vàng bán ròng, nhu cầu đầu tư vàng thỏi và đồng xu vàng tăng 45% trong nửa đầu năm nay, đạt 594,5 tấn, cao nhất kể từ năm 2013. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và đồng xu vàng ở Trung Quốc đạt 143,3 tấn, tăng mạnh so với mức 77,7 tấn cùng kỳ năm 2020.
Sự tăng trưởng này chủ yếu là do "hiệu ứng cơ sở so sánh thấp, các điều kiện kinh tế được cải thiện và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã giảm đi nhiều", báo cáo nhấn mạnh.
"Trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư vàng có thể được hỗ trợ bởi những nhân tố như: lạm phát tăng, cung tiền tăng, thay đổi mang tính cơ cấu trong phân bổ tài sản và mức giá vàng trở nên hấp dẫn để rót vốn. Triển vọng tăng lãi suất có thể đặt ra một rủi ro đối với đầu tư vàng, chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ chủ trương thận trọng và duy trì nới lỏng thêm một thời gian", ông Artigas nhận định.
Giá vàng kỳ hạn tại sàn COMEX của Mỹ khép lại phiên tuần qua giao dịch ở mức 1.817 USD/ounce.
(Theo VTV)
Mê vàng nhưng người Ấn Độ đổ hàng tỷ USD vào tiền mã hóa
Các nhà đầu tư Ấn Độ rất ưa chuộng vàng, nhưng tiền mã hóa - đặc biệt là Bitcoin - cũng đang thu hút dòng vốn khổng lồ tại quốc gia này.