LG thông báo sẽ rút khỏi thị trường di động vào ngày 31/7 sau nhiều năm thua lỗ. Kể từ đó, hãng nỗ lực phân bổ lại lực lượng công nhân và nguồn lực cho bộ phận gia dụng cốt lõi. Nhu cầu đồ gia dụng cao cấp của LG tăng mạnh trong đại dịch Covid-19 do mọi người có xu hướng ở nhà nhiều hơn. Bộ phận gia dụng và giải pháp không khí (H&A) trong quý đầu năm ghi nhận doanh thu 6,7 nghìn tỷ won (6 tỷ USD) và 919,9 tỷ won lợi nhuận hoạt động, cao nhất từ trước tới nay.
Tại Việt Nam, LG ra mắt dây chuyền sản xuất ở Hải Phòng năm 2015. Nhà máy đang sản xuất đồ gia dụng, smartphone và linh kiện thông tin giải trí trên xe hơi. Hiện có hơn 16.000 công nhân đang làm tại đây. Công ty cũng gợi ý sẽ đầu tư thêm vào nhà máy trong tương lai gần.
Theo kế hoạch, quá trình chuyển đổi sẽ hoàn thành trong năm nay. Ông Jung Hai Jin, Chủ tịch LG Electronics Việt Nam, khẳng định việc đóng cửa bộ phận di động không ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh hay hoạt động của nhân viên tại Hải Phòng.
Dù không còn kinh doanh smartphone, LG vẫn tiếp tục hỗ trợ những thiết bị đang có. Các model đắt tiền được hỗ trợ phần mềm 3 năm, một số mẫu được nâng cấp Android 12 hoặc Android 13. Người dùng được nhận dịch vụ hậu mãi sau 4 năm kể từ ngày sản xuất thiết bị.
Nguồn tin trong ngành tiết lộ LG đang nhanh chóng chuyển đổi các dây chuyền sản xuất smartphone ở nước ngoài sang sản xuất đồ gia dụng.
LG cho biết chính phủ Brazil tháng trước phê duyệt kế hoạch mở rộng nhà máy Manaus tại Amazonas. Sau khi dự án 62 triệu USD hoàn thành, công ty Hàn Quốc sẽ có dây chuyền sản xuất laptop và màn hình mới tại đây.
Từ khi đi vào hoạt động năm 1995, nhà máy Manaus chuyên sản xuất tivi, lò vi sóng và máy phát DVD, năm 2001, bổ sung máy điều hòa nhiệt độ. Trong khi đó, nhà máy Taubate vận hành từ năm 2005, sản xuất điện thoại di động, màn hình và laptop.
Du Lam (Tổng hợp)
LG muốn bán nhà máy smartphone ở Hải Phòng với giá 90 triệu USD
LG sẽ đóng cửa và bán các nhà máy sản xuất smartphone ở Hải Phòng (Việt Nam), Taubate (Brazil) và Qingdao (Trung Quốc).