Đã gần hết năm 2016, tuy nhiên đến nay nguồn vốn cho khách hàng vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) thay thế gói 30.000 tỷ đồng vẫn chưa được triển khai. Việc chậm bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho vay mua NƠXH đã ảnh hưởng tới việc mua nhà của người dân cũng như quá trình tiêu thụ sản phẩm của các chủ đầu tư.


{keywords}

Cả người dân lẫn DN đều đang chờ đợi nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước cho nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: H.A.

Mòn mỏi “ngóng” vốn

Bộ Xây dựng cho biết, trong vòng 5 năm từ 2011-2016 trên cả nước hoàn thành việc đầu tư xây dựng 58 dự án NƠXH với quy mô gần 30.000 căn hộ. Hiện có 110 dự án NƠXH đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 70.000 căn, đồng nghĩa với việc đạt mục tiêu 1 triệu căn trong năm 2020 là rất khó khăn và thị trường sẽ còn thiếu nguồn cung của phân khúc này.

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng chính thức kết thúc cho vay vào ngày 31/3 đồng thời sẽ kết thúc giải ngân vào 31/12/2016 thì vào đầu tháng 6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-TTg quy định mức lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH mới sẽ là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và sẽ áp dụng đến hết ngày 31/12/2016. Ngân hàng Nhà nước sau đó cũng đã có công văn hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách NƠXH.

Tuy nhiên, trái với niềm vui, sự háo hức của người dân khi thông tin này vừa được công bố, đến thời điểm này, khi thời gian của năm 2016 chỉ còn tính từng ngày thì người dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Trong vai người mua nhà đến vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Cầu Giấy, phóng viên được nhân viên Phòng Kế hoạch - tín dụng chi nhánh này cho biết, Chính phủ đã có quyết định về lãi suất cho vay nhưng hiện nay ngân hàng chưa có nguồn vốn để cho vay mua NƠXH. Cũng theo nhân viên này, họ không biết chắc chắn thời điểm nào thì ngân hàng bố trí được nguồn vốn vay ưu đãi này.

Việc các cơ quan quản lý chưa bố trí được nguồn vốn vay ưu đãi đã khiến rất nhiều người thu nhập thấp phải mòn mỏi chờ đợi. Theo ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn BĐS Hải Phát, trên thực tế nhu cầu NƠXH của người dân là rất lớn.

Với dự án NƠXH The Vesta do Công ty Hải Phát làm chủ đầu tư, ông Giang cho biết, dự án có 8 tòa nhà và hầu hết các tòa nhà này đã được cất nóc. Với gần 1.500 căn NƠXH thì hiện DN đã bán được một phần, còn gần 1.000 căn đã xong hồ sơ mua nhà, chỉ chờ vốn. Người mua nhà đa phần là người có thu nhập thấp, vì thế nếu phải vay vốn với gói vay thương mại thì lãi suất vay vượt quá khả năng chi trả của họ, do đó, người mua vẫn đang chờ đợi nguồn vốn từ gói vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Như vậy, chỉ riêng tại dự án này, có gần 1.000 hộ gia đình đang nóng lòng chờ đợi vốn vay từ Chính phủ, đồng nghĩa với gần 1.000 căn hộ đang “ế ẩm”, chưa kể các dự án NƠXH khác cũng đang đình trệ vì vướng khó khăn về nguồn vốn vay như dự án Bright City (Hoài Đức, Hà Nội), chung cư cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội)...

Đại diện Sàn BĐS Hải Phát cũng cho biết, Công ty Hải Phát cũng đang tích cực làm việc với các bên ngân hàng để cố gắng từ nay đến đầu năm 2017 sẽ đưa ra gói tín dụng thích hợp nhất cho khách hàng mua NƠXH.

Không chỉ tại các đô thị lớn, việc thiếu vốn vay khiến nhiều dự án NƠXH tại các địa phương khác cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như dự án NƠXH tại phường Nghi Kim (TP.Vinh, Nghệ An) của Công ty Xây dựng Trường Sơn. Được mở bán từ cuối năm 2015, dù chỉ có 136 căn, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ có ½ số căn của dự án được tiêu thụ. Việc tiêu thụ căn hộ còn lại đang bị đình trệ bởi lý do khách hàng không tiếp cận được vốn vay ưu đãi lãi suất 4,8% như quyết định của Chính phủ.

Bên cạnh một số lý do như nhiều dự án NƠXH xa trung tâm, thì việc thiếu vốn vay ưu đãi cho NƠXH cũng là nguyên nhân đã dẫn tới một nghịch lý trên thị trường là nguồn cung NƠXH đang thiếu nhưng nhiều dự án lại rơi vào cảnh ế ẩm. Theo dự báo, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị đến năm 2020 là 1 triệu căn.

Tuy nhiên, một thông tin nhận được sự quan tâm của dư luận là mới đây Tập đoàn Vingroup vừa cho biết trong 5 năm tới sẽ cung cấp cho thị trường từ 200.000 - 300.000 căn hộ có chất lượng tốt, giá bình dân (chỉ từ 700 triệu đồng/căn) tại 7 tỉnh thành phố lớn. Theo đánh giá, việc một “ông lớn” chuyên phát triển sản phẩm BĐS cao cấp lại nhắm vào phân khúc bình dân sẽ làm cho các chủ đầu tư khác phải nhìn lại chiến lược kinh doanh của mình và có thể sẽ là cú hích tạo ra một cuộc đua mới trên thị phần nhà ở giá rẻ, giúp cho người thu nhập thấp có nhiều hơn các cơ hội sở hữu nhà.

Cần cấp bách bố trí vốn

Chính sách NƠXH cũng như chính sách nhà ở nói chung cho người thu nhập thấp và trung bình đang rất bức thiết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin chính thức nào về chính sách cho NƠXH trong năm 2017, do đó người dân, DN rất mong Chính phủ sớm ban hành chính sách để bản thân DN có thể dễ dàng triển khai, phát triển các dự án NƠXH.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, người mua nhà cũng như DN đầu tư NƠXH quá khó khăn do sự chậm trễ của nguồn vốn này. Cũng theo ông Châu, ông đã từng kiến nghị trong năm 2016 Nhà nước nên bố trí từ 500-1.000 tỷ đồng cho NƠXH nhưng đến nay không còn hy vọng vì năm 2016 sắp kết thúc. Do đó, chuyên gia này đề xuất cần cấp bách bố trí nguồn vốn này. Ngoài ra, ông Châu cũng nhấn mạnh việc chính sách NƠXH không bố trí cho DN cũng gây trở ngại cho DN, chẳng hạn như Công ty Hoàng Quân, trong số hơn 500 tỷ đồng DN này vay trong gói 30.000 tỷ đồng để đầu tư NƠXH, có khoảng 80 tỷ đồng không kịp giải ngân trong năm 2016 sẽ phải chịu lãi suất thương mại.

Nhấn mạnh vai trò của những chính sách về nhà ở, trong đó có NƠXH, ông Vũ Kim Giang cho rằng, chính sách này của Chính phủ rất đúng đắn nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà. Vì thế, đại diện Công ty Hải Phát mong muốn nguồn vốn cho NƠXH sẽ có chiến lược cụ thể, lâu dài nhằm hỗ trợ cho cả người mua và chủ đầu tư. “Chậm bố trí vốn vay cho NƠXH tạo tâm lý chờ đợi cho người mua nhà. Điều này đồng thời cũng ảnh hưởng đến các DN ở chỗ DN sẽ vất vả hơn trong công tác kinh doanh sản phẩm, bởi liên quan đến dòng tiền để thực hiện dự án. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm bổ sung nguồn vốn cho NƠXH”, ông Vũ Kim Giang kiến nghị.

Trước việc Nhà nước chậm bố trí nguồn vốn cho vay mua NƠXH, để tháo gỡ khó khăn cho cả người mua nhà cũng như cho bản thân DN, đã có DN phải chủ động liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ khách hàng bằng những chương trình tín dụng riêng. Đơn cử, Công ty địa ốc Hoàng Quân vừa cho biết sẽ hỗ trợ phần lãi suất vượt quá 6%/năm (phần lãi suất trên 6% sẽ do DN thanh toán với ngân hàng) cho những khách hàng mua NƠXH do DN này đầu tư hoặc liên kết đầu tư nếu khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng theo lãi suất thương mại. Chương trình này kéo dài đến khi có chính sách hỗ trợ vay vốn mua NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thời hạn tối đa không quá 15 năm.

Lý giải về nguyên nhân của sự chậm bố trí nguồn vốn cho NƠXH, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, gói tín dụng vướng ở chỗ chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành. Hiện nay Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đã cơ bản ủng hộ, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư do việc cân đối ngân sách, cân đối nguồn vốn còn khó khăn nên chưa đưa việc phân bổ ngân sách, trong đó có nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để Thường vụ Quốc hội thông qua. Ông Nguyễn Trần Nam cho biết thêm, Hiệp hội BĐS tiếp tục có công văn kiến nghị gửi Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai để các quy định liên quan đến NƠXH đi vào thực tiễn.

Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng cho biết, Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ việc bố trí nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện hỗ trợ phát triển NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 10-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH.

Theo Báo Hải quan