- Tại hội nghị các nhà tư vấn cho Việt Nam (CG) cuối kỳ năm nay, diễn ra ngày 6/12, tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng sẽ được hội nghị các nhà tư vấn thảo luận cụ thể.
Tại họp báo chiều nay (30/11), Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, cho biết đây chính là những nội dung được Đại hội Đảng XI xác định là các nhiệm vụ trọng tâm, do đó, CG lần này dành nhiều thời gian đi sâu thảo luận.
Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB được trình bày tại hội nghị sẽ phân tích sâu các thách thức như thâm hụt thương mại giảm (dự tính 3,9% GDP năm 2011) nhờ tăng doanh thu chứ chưa phải do nỗ lực giảm chi tiêu và đầu tư công, nợ công ở mức 42% GDP có nguy cơ không còn an toàn do sự mất giá của đồng tiền, những rủi ro tiềm tàng trong lĩnh vực tài chính...
Báo cáo cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị về các quy tắc kinh tế thị trường mà báo cáo đánh giá Việt Nam "chưa thực sự dũng cảm áp dụng".
Báo cáo đưa ra dự kiến tăng trưởng GDP năm 2011 của Việt Nam là 5,8% và khuyến cáo nền kinh tế vĩ mô sẽ chỉ bền vững và tăng trưởng ổn định khi các nhiệm vụ tái cấu trúc nêu trên được thực hiện nghiêm túc.
Hội nghị CG cuối kỳ năm 2010. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Bà Victoria Kwakwa cho rằng các hội nghị CG cần chuyển trọng tâm từ mục đích huy động nguồn lực về vốn sang việc đối thoại một cách thực chất hơn giữa các đối tác quốc tế và Chính phủ Việt Nam.
"Việt Nam không phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quốc tế mà có khả năng cố gắng tự đảm bảo nguồn lực tài chính cho mình", bà Kwakwa nhận định. "Tài trợ quốc tế cũng không chỉ là việc cung cấp vốn viện trợ mà quan trọng hơn là chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nguồn lực con người... để giúp VN phát triển bền vững trong bối cảnh đã trở thành một nước thu nhập trung bình".
Do vậy, cam kết tài trợ không còn là mối quan tâm hàng đầu hay là mục đích quan trọng nhất của CG lần này và trong tương lai.
Nhận xét về việc hiệu quả sử dụng tài trợ trong thời gian qua, Giám đốc WB Việt Nam cho là đạt yêu cầu song nhấn mạnh vẫn cần cảnh giác. "Một mặt chúng tôi sẽ đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân hiện nay đang rất chậm, mặt khác khuyến khích người dân lên tiếng về những biểu hiện tiêu cực trong việc sử dụng vốn tài trợ", bà Kwakwa nói. Chung Hoàng