Chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đợt thứ 3.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong đợt này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 114 dự án với tổng số vốn khoảng hơn 96.321 tỉ đồng trước khi giao vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: CTV

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, tổng số vốn mà Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là hơn 455.000 tỉ. Do đó, số vốn còn lại sau khi trình các dự án đợt 3 này là hơn 355.000 tỉ đồng.

Theo ông Cường, đa số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, sau hơn 1 năm từ khi Quốc hội ban hành nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành và địa phương. 

Lưu ý, tiến độ giao vốn là chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Cường đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ hết số vốn còn lại theo quy định. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với số vốn còn lại cần thực hiện trước 31/12 tới. Sau thời hạn này, chuyển toàn bộ số vốn còn lại vào dự phòng chung để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Không giao được vốn thì làm sao giải ngân 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với cơ quan thẩm tra và nhấn mạnh, số tiền 355.000 tỉ chưa giao được vốn là rất lớn. Chính phủ, các bộ, ngành phải giải trình vì sao còn lớn như vậy. 

Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm, gói kích thích phục hồi kinh tế 347.000 tỉ đồng cũng có khoản rất lớn cho lĩnh vực đầu tư nhưng tới nay đã “hết tháng 7, đầu tháng 8, chuẩn bị ăn rằm và nghỉ lễ 2/9 rồi mà Chính phủ vẫn chưa trình danh mục đầu tư”. Chính phủ cần làm rõ vướng chỗ nào. Vì nêu không giao được vốn thì làm sao giải ngân được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: CTV

“Tôi đi địa phương người ta nói có danh mục hết rồi, thống nhất với các bộ rồi, tại sao không ra được chỗ này?”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phân tích rõ lý do để tháo gỡ.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với số vốn 355.000 tỉ chưa phân bổ, Chính phủ đã có kế hoạch và trong tuần này sẽ trình hết sang để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Danh mục dự án trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế cũng sẽ trình cùng đợt này. 

“Ngay trong chiều nay, tôi sẽ ký luôn để trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Dũng cam kết.

Về lý do giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại 7-8 năm nay, thì năm 2022 có nhiều đặc biệt. Trong đó có lý do từ đầu năm 2022 tới nay, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, trung bình tăng tới 20%. 

Trong khi đó, các nhà thầu thường ký hợp đồng trọn gói nên càng làm càng lỗ. Do đó, các nhà thầu hiện nay “nằm im bất động” để chờ Chính phủ có chính sách điều chỉnh dự án hay không.

Ngoài ra hiện nay, tâm lý các địa phương đều rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư. Thậm chí, một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ.

Ông cho biết, sắp tới Chính phủ ban hành nghị quyết tháo gỡ vướng mắc, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm. Các địa phương, bộ ngành cam kết giải ngân hết số vốn được giao với dự kiến năm nay đạt được 92%.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, việc Chính phủ chưa trình danh mục dự án, chương trình thuộc gói phục hồi kinh tế khi chỉ còn 4 tháng là hết năm 2022 là quá chậm. Chính phủ cần khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ để tới cuối năm nay phân bổ hết số vốn này nếu không “rất mất uy tín”.

Cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” là liều thuốc cởi bỏ tâm lý sợ sai

Cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” là liều thuốc cởi bỏ tâm lý sợ sai

Chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII ngày 28/1, bí thư và lãnh đạo nhiều tỉnh thành bày tỏ sự ủng hộ về tinh thần đổi mới trong công tác cán bộ được nêu trong dự thảo văn kiện.

Đầu tư công thấp nhất nước, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu xử lý người thiếu trách nhiệm

Đầu tư công thấp nhất nước, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu xử lý người thiếu trách nhiệm

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu rà soát nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công thấp, nếu do con người thiếu trách nhiệm thì phải có biện pháp xử lý.
Đã đến lúc cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, y bác sĩ, giáo viên

Đã đến lúc cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, y bác sĩ, giáo viên

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng, bây giờ phải tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức vì chế độ lương nhà nước hiện nay rất thấp.