DSC07343.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo chủ đề “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học" tại Hà Nội.

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đề cập đến chuyện lâu nay chúng ta có một nỗi sợ mơ hồ khi làm phim đề tài lịch sử vừa đầu tư tốn kém lại vừa sợ dư luận. Đó có phải yếu tố cản trở sự sáng tạo và khiến dòng phim này ít người làm ở Việt Nam?  

Chính sách của Nhà nước rất ủng hộ các phim đề tài lịch sử và tôi cho rằng đó là một trong những mục tiêu quan trọng của điện ảnh Việt Nam. Cũng như trong văn học hay các ngành nghệ thuật khác phải phục dựng lại lịch sử và lan tỏa lịch sử đó cho người Việt Nam. Nếu  lãng quên lịch sử, nhầm lẫn, phản bội lịch sử điều đó rất nguy hiểm.

Lâu nay quan điểm về làm phim hay sáng tạo văn học về đề tài lịch sử, chúng ta khiên cưỡng và khô cứng, tự hạn chế tất cả những khả năng sáng tạo của mình. Lý do là bởi chúng ta không có đủ dữ liệu xác nhận nhân vật lịch sử đó từng sống ra sao, ăn gì, mặc gì, yêu và suy nghĩ, giày vò thế nào. 

Sáng tạo bị hạn chế vì lâu nay chúng ta ngại và sợ sự sáng tạo đó. Chúng ta ngại với những người có một chút hiểu biết về lịch sử cho rằng như thế không phải, không đúng. Nhưng phim nghệ thuật hoàn toàn khác với phim tài liệu. Chúng ta phải tạo ra một không gian và đời sống của nhân vật để phục vụ cho nhân vật đó, sự kiện lịch sử đó, làm sâu sắc nhân vật cũng như sự kiện chúng ta đề cập đến.

Khi làm về nhân vật lịch sử ví dụ như Hồ Chí Minh, chúng ta cần chi tiết mọi thứ chuẩn bị cho người đó từ ngôn ngữ, suy nghĩ, sinh hoạt, giấc mơ, lo âu... để phục dựng lên hình ảnh một vĩ nhân. Nói về Hồ Chí Minh phải nói về điều giản dị nhất. Chính sự giản dị đó với một giấc mơ lớn, hành động phi thường mới trở thành vĩ nhân. Còn chỉ xây dựng hình ảnh nhân vật như một vĩ nhân từ ăn mặc, nói năng, đi đứng thì chúng ta sẽ thất bại. Lâu nay đề tài lịch sử kể cả trong văn học lẫn điện ảnh chúng ta thất bại vì bị cản trở bởi điều đó. Hãy yêu một con người, đủ tự tin sáng tạo ra phần không có thật của con người đó và làm cho nhân vật trở nên sâu sắc, đẹp đẽ và vĩ đại hơn.

DSC07662.jpg
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ về hạn chế của dòng phim lịch sử tại Việt Nam.

- Thực tế đã có phim đề tài lịch sử khi ê-kíp sáng tạo một chút cho hấp dẫn hơn đã bị dư luận đem ra mổ xẻ, gây tranh cãi nhất là "Đất rừng phương Nam" ra rạp năm ngoái...   

Điều quan trọng nhất là trong sự sáng tạo không phản bội lại bản chất của lịch sử, không sai lệch thời gian, không gian và mục đích của sự kiện lịch sử đó. Ví dụ Cách mạng Tháng Tám là giải phóng dân tộc mà lại bảo đó chỉ là cuộc nổi dậy một cách ngẫu hứng của những người dân thì là sai lệch lịch sử. Nếu bộ phim thể hiện khát vọng tự do của một dân tộc, của từng người dân và mọi sự sáng tạo phục vụ cho yếu tố đó sẽ khác biệt. 

Tôi có một khát vọng lớn và một bộ phim đang viết, đó là về thành Cổ Loa. Nước Mỹ đã làm phim về thành Troy cực hay nhưng nếu xét về tính tư tưởng, tính số phận của nhân loại thành Troy không thể bằng được thành Cổ Loa. Tôi có làm việc với một nhà làm phim Mỹ và khi nghe kể, ông ta vô cùng kinh ngạc. Ông ấy đề nghị tôi hãy viết kịch bản và chuyển sang tiếng Anh rồi mời tôi sang Mỹ gặp các hãng phim lớn nhất để kêu gọi họ hãy bỏ tiền để làm phim thành Cổ Loa. 

- Điều đó có nghĩa ông sẽ không làm với các nhà làm phim Việt Nam?

Tôi chưa nghĩ đến đạo diễn nào có thể khái quát được tinh thần và tư tưởng của thành Cổ Loa và chúng ta cũng chưa có đủ kinh phí để dựng lên thành Cổ Loa. Trong thành Cổ Loa chúng ta chỉ có một câu chuyện nhỏ, còn kịch bản phải sáng tạo hết dựa trên văn hóa, lịch sử Việt thời đại đó cũng như sáng tạo những đặc biệt về con người và văn hóa Việt Nam, phong tục và thổ nhưỡng Việt Nam cũng như những vấn đề khác nữa.

Còn nếu chỉ dựa vào lịch sử thành Cổ Loa chỉ có một chút huyền sử. Tôi nghĩ đây là vấn đề vô cùng hệ trọng và phải bàn kỹ lưỡng. Người làm phim, người quản lý về văn học nghệ thuật, cả người xem... tất cả phải được thay đổi, phải mở trí tuệ và cách nhìn của mình ra chúng ta mới có thể tiếp nhận và làm được những bộ phim vượt qua được những giới hạn lâu nay.

DSC06777.jpg
Nhà thơ dự kiến mang kịch bản phim lịch sử về thành Cổ Loa sang Hollywood kêu gọi sản xuất.

- Đến thời điểm này có bộ phim đề tài lịch sử nào của Việt Nam gây ấn tượng với ông? 

Chưa! Mỗi lần xem phim của Hollywood hay của Trung Quốc, tôi đều lùi lại để suy nghĩ nếu mình kể câu chuyện này bằng văn xuôi sẽ như thế nào. Chúng ta có những cốt truyện văn học, có những câu chuyện lịch sử hấp dẫn và kỳ vĩ nhưng chưa biến nó được thành một sản phẩm điện ảnh và văn học xứng với câu chuyện đó.

Các nhà làm phim nước ngoài quá giỏi nên đó là lý do tôi sẽ mang kịch bản phim về thành Cổ Loa để đến hãng phim lớn nhất của Hollywood để kêu gọi bởi lâu nay họ vẫn làm phim về lịch sử, về nhân vật, về huyền sử của các dân tộc khác. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể chuyện "đấu tố" 1 nhà văn vì mô tả kẻ thù đẹp trai:

Ảnh: Galaxy