Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội thì những thói quen sinh hoạt đời thường của các gia đình phải thay đổi. Thật may, với sự hỗ trợ của công nghệ cùng với nhiều ứng dụng đặt đồ ăn, mua sắm online hữu dụng... mọi người đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới. Và đây là một ngày "không tiếp xúc" của một gia đình nhỏ ở TP.HCM trong mùa dịch.
Gia đình nhỏ 3 người của tôi đã quá quen thuộc với mua sắm online, thanh toán không dùng tiền mặt. Kể từ khi TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách từ 31/5, chúng tôi vẫn giữ những thói quen này, nhưng thêm vào đó là việc hạn chế tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt, bao gồm nhân viên giao hàng lẫn hàng xóm.
Vợ tôi được ở nhà làm online, con thì không còn đến trường, tôi cũng ít lên văn phòng hơn, do đó cả ba người quanh quẩn trong nhà. Thực ra những ngày này chỉ giống như một dịp cuối tuần tiêu biểu, chỉ trừ việc không đi ra ngoài chơi.
Mọi việc sắm sửa đồ đạc cần thiết, ăn uống, cà phê,... trong những ngày này đều được mua online hoàn toàn.
Buổi sáng tôi thường dậy sớm để tập trung làm việc, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Sau đó, tự mình kiếm gì đó ăn sáng nhẹ. Chờ khoảng 7-8 giờ hai mẹ con dậy thì đặt đồ ăn qua ứng dụng, hiếm khi tự nấu.
Sáng nay do còn dư bí đỏ đã hầm từ hôm qua nên tôi nấu súp, kèm với bơ để sẵn tủ lạnh. Nhà luôn luôn có sữa chua, món dễ ăn, dễ tiêu. Món này làm chủ yếu để ăn nhẹ, sau đó thường cả nhà sẽ đặt xôi, phở, bún bò,... qua ứng dụng.
Sau khi ăn sáng, hai vợ chồng bắt đầu ngồi làm việc. Con tôi sẽ ngồi học, viết thư cho bạn bè, thi thoảng chơi game trên máy tính bảng.
Gần trưa, chúng tôi cho con gái chọn đồ ăn, do hôm đó vào ngày Quốc tế Thiếu nhi. Bé quyết định ăn pizza - món hai cha con rất thích. Chúng tôi đặt hàng qua Grab, nhưng vì là ngày thứ hai giãn cách, lại cuối tuần nên khách đông, không có tài xế nhận cuốc. Chúng tôi gọi lên tổng đài của nhà hàng thấy máy liên tục bận. Sau đó, khi chuyển qua Gojek thì may mắn có tài xế nhận.
Nhà 3 người thích ăn pizza, nhưng đồ uống thì luôn luôn chia phe: con tôi chỉ uống nước suối, vợ tôi uống nước ngọt, tôi chọn nước trái cây.
Chúng tôi ở chung cư, có sẵn một kệ sắt ở bảo vệ. Hàng hoá giao online cứ để trên đó. Mùa này, cái kệ cực kỳ hiệu quả, vì chúng tôi yêu cầu shipper để hàng ở đó, mỗi nhà tự xuống lấy, vừa tiết kiệm thời gian của người giao hàng, vừa hạn chế tiếp xúc.
Trước đó, từ buổi sáng sớm vợ tôi đã đặt gạo, rau, thịt, tôm... từ website Bách hoá Xanh. Những ngày này đặt hàng rất khó khăn, các khung giờ giao hàng thường vào cuối ngày, có lần phải đến hôm sau mới giao.
Đầu giờ chiều khi bắt đầu giờ làm việc tại nhà, chúng tôi đặt nước từ ứng dụng của The Coffee House. Cả hai vợ chồng đều đã là thành viên kim cương của chuỗi này do thường xuyên uống tại chỗ hoặc đặt mua về.
Để đỡ chán và hít thở không khí bên ngoài, tôi thi thoảng dẫn con gái xuống dưới chung cư đi bộ, ngồi uống nước hoặc đọc sách. Nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc, khi đi xuống chúng tôi dùng thang bộ. Thuyết phục một cô bé tiểu học đi thang bộ mười mấy tầng lầu không phải việc dễ dàng.
Chiều hôm đó, với tôm mới mua, bí đao và ớt Đà Lạt có sẵn, nhà tôi làm được mâm cơm đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đủ chất.
Chiều tối, quyển sách vợ tôi đặt trên Tiki hôm trước cũng vừa về tới. Cô gái nhỏ háo hức vì được xem lịch sử từ thời đồ đá, qua giai đoạn cổ đại, đến thời kỳ Phục hưng, thông qua truyện tranh sống động.
Hôm đó tôi còn đặt thêm một vài dụng cụ tập luyện tại nhà qua ứng dụng của Lazada nhưng hàng chưa về tới.
Nhìn chung, việc ăn uống, mua sắm trong những ngày phải ngồi trong nhà không có gì khó khăn. Chỉ là mùa này không dám thuê người giúp việc theo giờ (cũng qua ứng dụng, để hạn chế tiếp xúc), do đó cả nhà phải chia nhau làm việc nhà. Tuy nhiên, thứ gây stress nhất chính là vợ chồng, con cái gặp nhau cả ngày, rất dễ cãi nhau! Việc hạn chế ra ngoài cũng khiến chúng tôi hơi bí bách, song vẫn tìm thú vui như cùng nhau chơi cờ, xem phim, tập thể dục,... để chỉ ở nhà, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hải Đăng
Thay đổi thói quen, người Việt lên "bách hóa online" mua thực phẩm, gia vị
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng. Mua sắm các mặt hàng thiết yếu được chuyển lên môi trường trực tuyến và mang đến dư địa tăng trưởng tốt cho ngành hàng bách hoá.