Thông qua mô hình lễ hội thành phố, Monsoon Music Festival kéo dài 9 ngày tại nhiều điểm biểu diễn khác nhau trên địa bàn TP.Hà Nội. Các khán giả có thể lựa chọn hình thức biểu diễn với những thể loại nhạc hay nghệ sĩ/ban nhạc mình yêu thích. Theo BTC, đêm Khai hội (Opening Gala) sẽ diễn ra tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày 14/10.

Tuần lễ âm nhạc Phố Hàng Nhạc (Music Week) tại 5 địa điểm trong phố cổ Hà Nội, bao gồm: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ, Rạp Chuông Vàng, Khán phòng Ngụy Như Kon Tum từ ngày 15/10 đến hết ngày 20/10. Mỗi tối, BTC sẽ có các buổi biểu diễn liên tục tại cả 5 địa điểm. Đặc biệt là chương trình Thăng Long Thành Hội (Gala Night) tại Hoàng Thành Thăng Long vào ngày 21, 22/10.

Lễ hội thu hút sự tham gia của 40 nghệ sĩ và ban nhạc từ trong nước và quốc tế như: Bức Tường, Ngọt, Vũ, Lope Dope, Mèow Lạc, Pháo, Suboi (Việt Nam); Xinh Xô, Forgotten Future (Mỹ); Sun Jun, Fergessen (Pháp); Dust&Metal (Anh-Mỹ); Lydmor (Đan Mạch); Andreas Tilliander (Thụy Điển); Munan (Hàn Quốc), Club Mild (Singapore), Rome in Reverse (Italy)… 

Về giá vé, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ, BTC cũng tính toán việc làm giá vé phổ cập với mọi người. Anh nói: "Một số bạn trẻ có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật lớn, muốn có sân chơi giải tỏa năng lượng, yêu và am hiểu về âm nhạc nhưng thu nhập chưa độc lập. Giá vé có thể đủ với chi phí của Monsoon, nhưng sẽ rất hạn chế với sự tham gia của mọi người. Chúng tôi khá khó khăn trong việc đưa ra mức giá, bán hết vé cũng chưa đủ 50% kinh phí. 

Hy vọng lễ hội dần trở thành thói quen của công chúng, người dân đều dành một khoản thu nhập để phục vụ đời sống tinh thần. Nhờ vậy, ngành công nghiệp âm nhạc mới phát triển và chúng tôi không cần phụ thuộc vào nhà tài trợ. Đấy là ước mơ của một xã hội phát triển. Chúng ta cần thời gian để người dân hình thành thói quen, nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Hiện tại, điều này chưa được đặt lên hàng đầu khiến ê-kíp phải tìm nhiều nguồn tài trợ". 

quoctrung.jpg
Nhạc sĩ Quốc Trung.

Trong khuôn khổ của chương trình, còn diễn ra 3 buổi hội thảo (tổ chức vào ngày 20-21/10) chuyên đề về ngành Công nghiệp âm nhạc, Công nghiệp văn hóa với các chủ đề xoay quanh chính sách dành cho các dự án văn hóa tại Hà Nội, các vấn đề An toàn và Sức khỏe trong ngành sản xuất biểu diễn; Hướng đi nào cho các nghệ sĩ và ban nhạc trẻ trong việc tìm kiếm thị trường...

Hội thảo là nơi để các diễn giả, các chuyên gia chia sẻ góc nhìn của mình nhằm mục tiêu hỗ trợ nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ trong việc mở rộng cơ hội phát triển; đồng thời sự tham dự của các cơ quan quản lý, các hãng đĩa, đơn vị sản xuất... sẽ là cầu nối thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghiệp âm nhạc, Công nghiệp văn hóa Thủ đô.

BTC nên có những buổi giao lưu hay hội thảo xung quanh vấn đề ứng xử của nghệ sĩ với truyền thông, với công chúng? Trước thắc mắc của VietNamNet, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: ''Ứng xử của nghệ sĩ là kết quả giáo dục của gia đình, trường học. Khi nghệ sĩ đã thành danh, chẳng ai có thể áp đặt ứng xử chuẩn mực của bản thân với họ. Nếu trái luật hay thuần phong mỹ tục, đó là vi phạm của nghệ sĩ. Đôi khi những nghệ sĩ phát ngôn sơ sểnh về giới tính hay sắc tộc có thể mất đi công việc của mình. Vì vậy nghệ sĩ luôn phải có ý thức về ứng xử, phát ngôn, ứng xử phù hợp để đảm bảo hình ảnh, sự yêu mến của khán giả.

Kể từ năm 2023, Monsoon Music Festival có Quỹ bảo trợ nghệ thuật mang tên Insipire Your Next. Theo đó, các nghệ sĩ được Quỹ lựa chọn sẽ có cơ hội tham dự những chương trình đào tạo ngắn hạn, các workshop định hướng phát triển chuyên môn. Thông qua Quỹ, Monsoon sẽ giới thiệu và kết nối các nghệ sĩ tới hãng đĩa, đơn vị quản lý truyền thông và các đơn vị tổ chức sản xuất nhằm mang tới cơ hội rộng mở hơn trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam.

Các hoạt động của Quỹ được diễn ra thường niên và xuyên suốt cả năm từ tháng 3 đến hết tháng 2 của năm kế tiếp. Hoạt động đầu tiên của Quỹ bắt đầu bằng hình thức mở đơn đăng ký tham dự Monsoon Music Festival cho các nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ trong nước và quốc tế. 

Anh Phương