Theo Báo cáo nghiên cứu khoa học của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, có thể thấy các công trình công cộng xây dựng giai đoạn 1975-1986 được phân bố khá đều, tập trung trong khu vực 4 quận nội thành cũ, là khu vực có quy hoạch tương đối ổn định.

Đáng chú ý, giai đoạn này là thời kỳ khó khăn về kinh tế, trong khi nhu cầu sử dụng công trình công cộng lại rất cao do phụ thuộc vào nền kinh tế kế hoạch. Vì vậy mà các công trình công cộng được thiết kế chú trọng tính hiệu quả trong công năng, tận dụng tối đa thông gió và chiếu sáng tự nhiên nhằm giảm thiểu chi phí vận hành, khai thác.

Nhìn lại giai đoạn 1975-1986, theo ThS. KTS Nguyễn Đức Vinh, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng Hà Nội, thời điểm đó còn là giai đoạn các KTS tỏ rõ quan điểm thoát ly khỏi các lối mòn tư duy cũ, hướng tới kiến trúc Hiện đại, mạnh dạn sử dụng vật liệu mới và các cấu trúc không gian mới.

Điều này thể hiện ở các công trình được xây dựng phổ biến với kết cấu bằng vật liệu bê tông cốt thép, nhiều công trình còn áp dụng công nghệ bê tông cốt thép lắp ghép. Điều này mang lại cho các công trình một diện mạo hoàn toàn mới, vuông vức, gọn gàng, giảm các chi tiết trang trí mang tính mỹ thuật, điêu khắc.

W-cunghuunnghi.png
Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô 

Nếu như ở giai đoạn đầu, phong cách kiến trúc còn bị ít nhiều ảnh hưởng bởi tư duy cũ, giai đoạn sau bị ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Xô Viết thì giai đoạn 1975 – 1986 đã bộc lộ phong cách kiến trúc khá rõ nét của một nền kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa. Đoạn tuyệt với quá khứ kiến trúc thực dân, kết hợp giữa kiến trúc truyền thống với kiến trúc hiện đại mang tính khoa học đã làm nên các công trình kiến trúc thời kỳ này, rất đặc thù, độc đáo mà sau này khó có thể thấy lại. Phong cách kiến trúc của thời kỳ này được nhiều tác giả nghiên cứu gọi là Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa, hay Kiến trúc Hiện đại theo chủ nghĩa Bản địa hóa (mel Schenck), chỉ hiện diện ở một số quốc gia nhất định vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, có điều kiện tương tự như Việt Nam như Brazil hay Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo ông Vinh nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, các công trình kiến trúc công cộng giai đoạn 1975-1986 gần như không còn giữ được nguyên trạng, ngoại trừ một số công trình trọng điểm cấp Quốc gia đã được xác định giá trị như Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Thậm chí nhiều công trình có giá trị như Bưu điện Hà Nội hay Cung Văn hóa thiếu Nhi Hà Nội cũng vẫn đứng trước sự xâm hại dần dần, trước mắt là từ những yếu tố “có vẻ vô hại” như bảng biển quảng cáo không cố định hoặc từ những đợt “làm mới” lặt vặt nhưng rất thiếu cân nhắc. Sự mất đi giá trị nguyên bản này là thiệt hại lớn đối với mục đích mong muốn đưa các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 trở thành di sản kiến trúc.

"Đứng trước sức ép này, việc nhận thức một cách đúng đắn những giá trị về kiến trúc của các công trình trong giai đoạn này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những giải pháp phát triển đúng đắn để những công trình này trở thành di sản kiến trúc của đô thị hiện đại", KTS Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV