Phòng hơn 1.000 USD/đêm tại khách sạn cao cấp Fairmont Royal Pavilion, tắm ở bãi biển đẹp nhất đảo Barbados, lặn biển buổi sáng và ăn uống ở nhà hàng sang trọng vào buổi tối.

Theo Bloomberg, với một số nhân viên của ngân hàng đầu tư Mỹ Houlihan Lokey, chuyến nghỉ dưỡng 5 ngày ở quần đảo Caribbean là phần thưởng xứng đáng sau một năm làm việc vất vả, để doanh nghiệp đạt lợi nhuận kỷ lục.

Đây cũng là lời thỉnh cầu "xin đừng bỏ việc" của ngân hàng với các nhân viên trẻ có năng lực. Không chỉ Houlihan Lokey, nhiều ngân hàng Phố Wall cũng tăng lương, thưởng lớn để giữ chân các nhân viên trẻ, khi tỷ lệ bỏ việc và kiệt sức đang tăng mạnh.

"Đây là thời điểm tốt nhất để các nhân viên ngân hàng Mỹ đạt thu nhập cao. Nhưng đây là thời điểm tệ nhất để họ tận hưởng cuộc sống", chuyên gia tuyển dụng Dan Miller của hãng True Search mô tả.

Khảo sát hồi tháng 2 của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy nhiều nhân viên ngân hàng Phố Wall phải làm việc cả 100 giờ mỗi tuần. Mỗi ngày họ chỉ ngủ tối đa 5 tiếng. Sức khỏe thể chất và tinh thần của họ ngày càng sa sút, mối quan hệ với gia đình và bạn bè gần như không tồn tại.

{keywords}
Nhiều nhân viên ngân hàng Phố Wall muốn nghỉ việc vì khối lượng công việc quá tải. Ảnh: Reuters.

Trên mạng xã hội, không thiếu những hội nhóm được lập ra để bàn luận về chế độ làm việc của thế hệ “công nhân tài chính” - hay “Wall Street Gen P”, chữ “P” trong từ “Pandemic” - nghĩa là “đại dịch”.

Văn hóa "làm việc đến khi gục" bắt đầu thịnh hành trong giới tài chính toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế tăng trưởng nóng. Thay vì việc trao đổi công việc với đồng nghiệp tại các sàn giao dịch sôi động ở Manhattan hay London, nhiều người bị bó buộc trong căn phòng nhỏ và còn phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác trong thời đại của các cuộc gọi qua Zoom.

“Phải nói là nó thật điên rồ. Làm việc 20 giờ mỗi ngày để kiếm nửa triệu USD thì có ý nghĩa gì?”, Lit, một nhân viên ngân hàng kỳ cựu tại Phố Wall, nói.

Lit đã nghỉ việc tại ngân hàng từ cuối năm ngoái và đang chuẩn bị thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm. Anh cho biết mình từng phải đi khám nhiều lần trong tình trạng kiệt sức và tim đập nhanh.

Trong khi đó, mức lương sáu con số đối với nhân viên năm đầu tại các ngân hàng lớn như Citigroup Inc., JPMorgan Chase & Co. được xác định cao gần gấp đôi so với mức lương trung bình tại Mỹ. BlackRock Inc., quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, mới đây vừa tuyên bố tăng 8% lương cho nhân viên.

Theo thống kê của Wall Street Oasis, lương năm đầu của chuyên viên phân tích đầu tư tại Goldman Sachs - bao gồm lương cơ bản và thưởng - vào khoảng 123.500 USD. Lãnh đạo các ngân hàng quan niệm rằng các nhân viên trẻ thường chấp nhận "cày" dữ dội để giành cơ hội thăng tiến, lên những vị trí có mức lương hàng triệu USD/năm sau này.

Dẫu vậy, nhiều nhân viên cho rằng lương cao thưởng lớn cũng không thể bù đắp được những tổn thất về sức khỏe và tinh thần. Theo thống kê của Bloomberg, tỷ lệ nhân viên ngân hàng tự nguyện bỏ việc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5.

"Không thể chấp nhận được chuyện làm việc 110-120 giờ/tuần. Tôi chỉ có vỏn vẹn 4 giờ mỗi ngày để ăn, ngủ, tắm và làm tất cả việc khác. Đây là sự lạm dụng sức lao động vô nhân đạo", một nhân viên Goldman Sachs bức xúc.

(Theo Zing)

Nhân viên ngân hàng nào thu nhập 'khủng' nhất Việt Nam?

Nhân viên ngân hàng nào thu nhập 'khủng' nhất Việt Nam?

Trong quý I nếu như Techcombank vẫn chi trả thu nhập cao chót vót cho nhân viên lên tới 42 triệu đồng/người/tháng thì MB bất ngờ vượt Vietcombank, nâng thu nhập nhân viên lên hơn 36 triệu đồng.