Năm 1986, ông Lê Sinh Thành (bố anh Kiên) đi bộ đội về hưu, học được bài thuốc nam về cách chữa trị rắn cắn và cứu sống nhiều người. Hơn 20 năm ở bên bố, anh Kiên đã được ông Thành truyền lại kinh nghiệm chữa trị rắn cắn.

{keywords}
Nhiều người ví anh Lê Văn Kiên là "thần y" hay khắc tinh chữa trị rắn độc cắn - Ảnh: Quốc Huy

“Bài thuốc chữa trị rắn cắn có hơn 10 loại lá khác nhau. Mỗi lần đi hái lá, bố đều dạy tôi cách xử lý từng loại, theo tỷ lệ ít nhiều khác nhau. Việc quan trọng là phải xác định được vết cắn của từng loài rắn để chữa trị” – anh Kiên tâm sự.

Anh Kiên chia sẻ, bản thân là người không có chứng chỉ hành nghề y về chữa trị rắn cắn. Các bài thuốc của anh dựa trên kinh nghiệm gia truyền, số lần chữa trị cứu người bị rắn cắn.

Nhập vai người nhà chăm bệnh nhân

Anh Kiên nhớ lại, năm 2015, tại một bệnh ở TP Vinh (Nghệ An), cháu Đ. 8 tuổi, quê ở xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) bị rắn độc cắn ở sân bóng đá. Sau nhiều ngày nằm ở viện mê man bất tỉnh, người nhà nhận được tin là bệnh viện sẽ trả cháu Đ. về nhà.

Hôm đó trời mưa rất to. Anh Kiên nhận được điện thoại cầu cứu, gần 10h đêm, anh mang thuốc theo xe taxi xuống bệnh viện giúp người. Tại đây, theo quy định của bệnh viện, mỗi bệnh nhân chỉ có một người vào chăm sóc.

“Để vào bên trong đổ thuốc cho cháu Đ, mọi người nghĩ cách cho tôi mặc áo người nhà chăm bệnh nhân. Tình trạng cháu Đ. lúc đó đồng tử giãn, phải thở ô xy. Tôi dùng vòi nhựa rót nước lá từ từ qua lỗ mũi cháu Đ.

Khoảng 3 tiếng đồng hồ, cháu Đ. bắt đầu có phản ứng cử động nhẹ ngón tay. Tôi báo với người nhà là có hy vọng. Bởi cháu Đ. nằm mê man suốt 4 ngày qua nghĩa là thuốc đã có tác dụng” – anh Kiên nhớ lại.

{keywords}
Cháu Đ. ở Quỳnh Lưu, Nghệ An bị loài rắn cạp nia cắn khi đang ngồi xem đá bóng ở gần nhà

Anh Kiên lại trở về nhà hái thêm lá thuốc để tiếp tục chữa trị cháu Đ. Hơn 9h sáng, anh Kiên tiếp tục nhập vai người nhà một lần nữa để vào đổ thuốc cho cháu Đ.

“Sau lần thứ 2 cho uống nước lá, cháu Đ. vượt qua trạng thái người thực vật và bắt đầu hồi phục. Kinh nghiệm cho thấy, khi thuốc có tác dụng thì cơ thể con người sẽ nhanh bình phục trở lại. 

2 ngày sau, cháu Đ. ra viện và cả gia đình đến nhà cảm ơn. Người nhà nói, anh là cha đẻ thứ hai của cháu Đ. Đây là ca chữa rắn cắn khó nhất mà tôi nhớ mãi” – anh Kiên bộc bạch.

Tích đức cứu người

Đến bây giờ, hai vợ chồng anh Kiên, chị Hoài không thể nhớ hết đã chữa trị cho bao nhiêu người bị rắn cắn.

Ở cạnh nhà anh Kiên, có ông Lê Đình Đàn bị rắn hổ mang cắn vào tay, ông này ôm cả con rắn chạy về nhà Kiên nhờ chữa trị.

{keywords}
Ông Lê Đình Đàn (trái) bị rắn hổ mang cắn vào tay và một người khác đưa rắn đến nhà anh Kiên nhờ giúp đỡ - Ảnh nhân vật cung cấp

Ngày 8/7, anh Nguyễn Văn Dương (SN 1968), trú tại xóm Bố Ân (xã Hùng Tiến) kể lại: Lúc trời nhá nhem tối, anh đang bơm nước vào ao cá thì bị rắn cạp nia cắn vào chân.

“Tôi cảm giác bị rắn cắn nhẹ ở chân. Soi đèn pin thấy rắn bò ở dưới mương nước. Tôi lấy dây thun buộc chân rồi chạy xe máy đến nhà anh Kiên nhờ giúp đỡ” – anh Dương kể.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Dương (bên phải) tại nhà anh Kiên - Ảnh: Quốc Huy
{keywords}
Vết cắn rắn cạp nia ở chân của anh Dương - Ảnh: Quốc Huy

Vợ chồng anh Kiên tâm sự, chữa trị rắn cắn là để giúp người, tích phúc cho con cháu. Mỗi lần  anh chị chỉ lấy vài trăm ngàn đồng tiền công làm thuốc.

Anh Kiên luôn nhớ rằng: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là phải cứu người. Làm nghề là phải tích đức, cứu mạng người còn to hơn cả xây 7 ngôi tháp. Giúp người lúc vào sinh ra tử thì không nên tính toán”.

{keywords}
Chị Hoài là giáo viên mầm non ở xã Hùng Tiến cũng phụ giúp chồng chữa rắn cắn - Ảnh: Quốc Huy

Anh Kiên nhắn nhủ, khi bị rắn độc cắn cần có sự kết hợp cách chữa trị giữa Tây y và uống thuốc nam thì người bệnh sẽ nhanh chóng được bình phục.

Lời khuyên của bác sĩ lúc bị rắn cắn

 

Trao đổi với PV, một bác sĩ chuyên khoa chống độc ở TP Vinh chia sẻ: “Người bị rắn cắn phải có huyết thanh về loài rắn đó. Bệnh nhân phải được truyền dịch lợi tiểu. Trường hợp bị suy hô hấp thì cần phải hỗ trợ bằng thở máy.

Các loại thuốc nam thì chưa có nghiên cứu hay công trình khoa học nào cụ thể. Nếu ai khẳng định chữa trị rắn độc cắn được thì nên cung cấp về công thức, loại lá thuốc để các nhà khoa học nghiên cứu. Chúng tôi không khẳng định và cũng không phủ nhận về thuốc nam chữa trị rắn cắn”.

{keywords}
Loài rắn cổ trắng, đầu hình tam giác được xếp vào 9 loài độc nhất thế giới xuất hiện ở Nghệ An - Ảnh: Quốc Huy

Theo lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân khi bị rắn cắn cần bình tĩnh, không hoảng hốt, băng ép bằng khổ vải rộng từ 5 đến 10cm từ gốc đến chi. Băng bó nhưng không quá chặt để máu lưu thông, tránh hoại tử.

“Chân tay để ở tư thế thấp nhằm hạn chế nọc độc di chuyển vào hệ thần kinh trung ương. Chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng cấp cứu ngưng tim. Không nên chích rạch hay hút chất độc bằng miệng” – bác sĩ chia sẻ.

Hai nạn nhân bị rắn độc tấn công, 1 người tử vong ở Nghệ An

Hai nạn nhân bị rắn độc tấn công, 1 người tử vong ở Nghệ An

Chỉ trong 1 tuần qua, 2 nạn nhân ở huyện Nghĩa Đàn và TP Vinh (tỉnh Nghệ An) bị rắn cạp nia tấn công khiến một người tử vong.

Quốc Huy