Tokyo đang đương đầu với Bắc Kinh và gia tăng quan hệ quốc phòng với các thành viên ASEAN để bảo vệ thương mại hàng hải.


Ảnh: wordpress

Tác giả Ian Storey là chuyên gia nghiên cứ ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore

Philippines và Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây, nhưng họ không phải là những tiếng nói lo lắng duy nhất. Nhật Bản cũng đóng một vai trò tuy tương đối yên tĩnh nhưng không kém phần quan trọng. Họ có thể không liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, nhưng nền kinh tế lớn thế ba thế giới này có mọi lợi ích trong việc đảm bảo căng thẳng không leo thang. Vì thế, giới quan sát đang chứng kiến việc Tokyo ngày càng hoạt động tích cực hơn trong mối quan tâm này.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tuần này ở Phnom Penh, Ngoại trưởng Nhật Bản có ý định bày tỏ những lo ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây, nhấn mạnh các bên liên quan cần làm rõ tuyên bố chủ quyền hàng hải của họ, và theo đuổi những giải pháp ngoại giao. Theo giới phân tích, trong khi động thái này có thể được nhiều nước Đông Nam Á hoan nghênh thì nó chắc chắn sẽ khoét sâu thêm những bất đồng trong quan hệ Trung - Nhật.

Điều này có nghĩa là, Nhật Bản sẵn sàng phản đối Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực mà Tokyo không có liên quan trực tiếp (cho dù chính bản thân Nhật Bản cũng có những đụng chạm lãnh thổ với Bắc Kinh). Tokyo đã luôn "để mắt" tới Biển Đông nhưng cho tới khi căng thẳng bắt đầu leo thang sau năm 2008 thì họ cảm thấy rằng cần có cách tiếp cận chủ động hơn với chuyện tranh chấp. Và giờ đây, họ sẽ tiến tới bước tiếp theo bằng cách đương đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Nhật Bản có hai mối quan tâm lớn ở khu vực này. Thứ nhất, căng thẳng ở mức độ thấp có thể leo thang theo thời gian trở thành xung đột lớn hơn là gián đoạn giao thông hàng hải. Đó là tin tức xấu với an ninh kinh tế của Tokyo kể từ khi những lộ trình vận chuyển ở Biển Đông chuyên chở lượng lớn hàng hóa Nhật Bản đến các thị trường hấp dẫn ở Đông Nam Á và Châu Âu cùng 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật đi qua vùng biển này.

Một vấn đề khác là nếu Bắc Kinh muốn áp dụng hành xử của họ để thống trị Biển Đông, thì cũng có thể lặp lại chiến thuật ở biển Hoa Đông - nơi Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp trực tiếp về chủ quyền lãnh thổ. Nếu Trung Quốc "ve vãn" hoặc ép buộc các láng giềng Đông Nam Á chấp thuận những lý lẽ biện hộ đáng ngờ cho yêu sách chủ quyền của họ và "các quyền lịch sử" trong vùng biển, thì các chuẩn mực pháp lý hiện hành như Công ước LHQ về Luật Biển 1982 sẽ bị xói mòn. Nó có thể làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Nhật với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông khi Trung Quốc quyết định dùng những lý lẽ tương tự.

Hơn thế nữa, Bắc Kinh có thể tính toán rằng, hành xử gây hấn của họ khi "phát huy tác dụng" ở một khu vực, thì cũng có thể áp dụng với khu vực khác. Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc có thể kích động một cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao lớn trong quan hệ Trung - Nhật.

Điều đó giải thích vì sao Nhật Bản quyết tâm đóng vai trò chính trong quản lý khủng hoảng Biển Đông và đang nỗ lực sử dụng các diễn đàn đa phương như là cách thực hiện con đường này. Tokyo đã dùng những hội nghị cấp cao với ASEAN để kêu gọi "hòa bình và ổn định" ở các vùng biển. Quan trọng hơn, họ đã cam kết tăng cường hợp tác giữa lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản với các đối tác ở Đông Nam Á. Điều này khá quan trọng vì trong tranh chấp hay gây sức ép để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, các bên thường sử dụng lực lượng phòng vệ bờ biển (cảnh sát biển) hơn là đội tàu chiến hải quân.

Nhật Bản gần đây cũng đề nghị số thành viên tham dự Diễn đàn Hàng hải ASEAN hàng năm nên mở rộng thêm gồm những đối tác đối thoại của khối này như Australia, Ấn Độ và Mỹ. Nhật coi diễn đàn này như một nơi hữu ích để thúc đẩy các khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành và phát triển những cơ chế giải quyết tranh chấp cho vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Vấn đề nổi lên ở đây là một số thành viên ASEAN phản ứng khá thận trọng khi không muốn đối đầu với Trung Quốc.

Cũng không thể nói rằng Nhật Bản hoàn toàn hài lòng khi làm việc chỉ thông qua ASEAN. Tokyo muốn đảm bảo rằng, khối này đứng trên quan điểm đoàn kết và phản đối cá nhân các thành viên thỏa thuận với Trung Quốc - kể từ khi biết rằng Bắc Kinh có ưu thế hơn khi hội đàm song phương trong chuyện tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Vì thế, Nhật Bản cũng theo đuổi lộ trình song phương với một số đối tác trong khu vực, ví dụ như Philippines. Tokyo giờ đây đang nỗ lực giúp Manila củng cố các khả năng của lực lượng phòng vệ bờ biển, và nhất trí về nguyên tắc trong thỏa thuận chuyển giao 10 tàu tuần tra nhằm tăng cường khả năng giám sát hàng hải của Philippines.

Hai bên cũng đã bắt đầu thúc đẩy quan hệ quân sự. Các cuộc đối thoại thường xuyên đã sẵn sàng khởi động, và năm nay, tàu hải quân Nhật đã thăm Philippines thực hiện nhiệm vụ trao đổi huấn luyện và hỗ trợ nhân đạo. Ngoài Philippines, Nhật cũng nhất trí nâng cấp quan hệ quốc phòng với những nước khác trong khu vực.

Thái An (theo Wall Street Journal)