Ngày 4/7, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đã thành lập một nhóm nghiên cứu để điều tra các vấn đề về tự cảm nhận ngoại hình cơ thể, ăn kiêng và thói quen sống trong nỗ lực giảm số lượng phụ nữ trẻ thiếu cân ở nước này, theo Kyodo.

Bộ cho biết có dự định sử dụng các phát hiện của nhóm này để nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc duy trì cân nặng bình thường, thông qua truyền bá nhận thức về rủi ro của việc ăn kiêng quá độ và không cân bằng. Bởi thiếu cân có thể khiến sức khỏe phụ nữ gặp rủi ro và gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Một cuộc khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia năm 2019 cho thấy 20,7% - tương đương 1/5 - phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 có chỉ số khối cơ thể BMI dưới 18,5 (được xem là thiếu cân); 70,4% có BMI từ 18,5 đến 24,9 - được xem là mức bình thường và 8,9% có BMI từ 25 trở lên.

Dự án kéo dài 10 năm "Health Japan 21" của chính phủ Nhật Bản, triển khai từ năm 2013, nhằm đưa số phụ nữ ở độ tuổi 20 có chỉ số BMI thấp xuống dưới 20% đã không thành công.

Theo các chuyên gia y tế, hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và các triệu chứng thiếu máu. Nhiều trường hợp muốn gầy đến mức phát sinh chứng biếng ăn.

Những bà mẹ nhẹ cân có nguy cơ sinh con nặng 2,5 kg trở xuống cao hơn. Theo các chuyên gia, trẻ em sinh ra thiếu cân dễ mắc mắc bệnh liên quan đến lối sống như ung thư, bệnh tim và tiểu đường.

Fumi Hayashi, phó giáo sư tại Đại học Dinh dưỡng Kagawa, cho biết truyền thông và nhiều nguồn khác đã dung dưỡng "các tiêu chuẩn xã hội sai lầm rằng gầy gò là lý tưởng".

"Mặc dù một số người có thể lo ngại rằng một thân hình không thon thả lắm có thể khiến họ không chạy theo được những mẫu quần áo thời thượng, nhưng điều đó có cũng có những lợi ích nhất định, như là họ sẽ không dễ bị mệt mỏi. Điều quan trọng là toàn xã hội phải thay đổi thái độ".

Nhóm nghiên cứu của chính phủ đặt mục tiêu đưa ra báo cáo trước tháng 3 năm sau, hiểu được thói quen ăn uống và dinh dưỡng của nhóm phụ nữ trẻ Nhật Bản.

Theo Zing