Sự thành công của cô gái học ngành kiểm toán này vừa góp phần bảo vệ môi trường lại kiếm bộn tiền...

Dẫn chúng tôi tham quan xưởng sản xuất và chế biến các sản phẩm của công ty, Bùi Thị Bích Ngọc (SN 1987, giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH, ở phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự: "Trước khi mở công ty, tôi từng có một công việc ổn định với thu nhập khá. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp ngành Kiểm toán, tôi về làm cho công ty bảo hiểm tại TP. Thanh Hóa".


Clip: Chị Bùi Thị Bích Ngọc, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa)-người biến rác thải nông nghiệp thành nước tẩy rửa sinh học, khởi nghiệp thành công từ những thứ vứt đi như vỏ dứa.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt - Bùi Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2016, tình cờ biết đến nghiên cứu của tiến sĩ Rosuko người Thái Lan về Eco Enzyme. 

Nghiên cứu này chủ yếu dùng phương pháp ngâm ủ và lên men thủ công những phế phẩm nông sản và vỏ trái cây để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, không độc hại. 

Chị Ngọc nhận thấy, đây là sản phẩm rất hữu ích lại rất phù hợp với những điều kiện sẵn có ở tỉnh Thanh Hóa, đem đến những sản phẩm sinh học, xanh sạch cho môi trường, lại vừa tốt cho sức khỏe cộng đồng.

{keywords}
Chị Bùi Thị Bích Ngọc, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bên một sản phẩm nước giặt sinh học do công ty khởi nghiệp của chị nghiên cứu, sản xuất.

"Tôi vốn dĩ chưa từng được đào tạo hay học qua những kiến thức về công nghệ sinh học. Chỉ có điều khi thấy nghiên cứu của tiến sĩ Rosuko người Thái Lan về Eco Enzyme rất hữu ích trong việc bảo vệ môi trường và thiết thực với điều kiện tại địa phương nên tự nhiên tôi ham đến thế. Sau khi tìm hiểu về công nghệ này mới thấy nó được các nước tiên tiến trên thế giới đã sử dụng rất nhiều. Vì thế, tôi quyết định thử sức mình một phen" - chị Ngọc chia sẻ.

{keywords}
Chị Bùi Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) giới thiệu sản phẩm của công ty mình.

Nghĩ là làm, chị Ngọc bắt đầu thu thập tài liệu, tra cứu bất kỳ thông tin gì về công nghệ Enzyme để học tập, nghiên cứu.

"Tôi nhận ra dứa là nguyên liệu tốt nhất để làm ra các chế phẩm tẩy rửa sinh học, đây chính là ứng dụng rất mới mẻ cho cây dứa" - Ngọc cho biết.

Cũng từ đó, chị Ngọc đã cùng quyết tâm khởi nghiệp với việc nghiên cứu, thực nghiệm ra một loại nước tẩy rửa sinh học từ rác thải nông nghiệp là vỏ dứa, kết hợp thêm với các loại vỏ trái cây giàu vitamin, tinh dầu khác như vỏ cam, vỏ chanh, vỏ bưởi…

{keywords}
Sau 3 năm tìm tòi, nghiên cứu Bùi Thị Bích Ngọc, Bùi Thị Bích Ngọc, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng tìm ra được nguyện liệu là vỏ dứa để làm ra các chế phẩm tẩy rửa, thân thiện với môi trường.

Mặc dù không có kiến thức về công nghệ sinh học nhưng Bùi Thị Bích Ngọc vẫn cố theo đuổi dự định. Tôi tìm đọc tất cả các loại tài liệu liên quan, rồi mang rác về ngâm ủ đủ cách. Nhiều người còn bảo đó là ý tưởng điên rồ, viễn vông...

Sau 3 năm, trời không phụ công người có ý chí và quyết tâm, với hàng chục lần nghiên cứu thử nghiệm thất bại, đầu năm 2019, chị Ngọc đã chính thức đưa đứa con tinh thần của mình ra thị trường, với 4 dòng sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và Enzyme mang thương hiệu Fuwa3e. 

Đây đều là những sản phẩm tẩy rửa sinh học an toàn lành tính, vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa không để lãng phí nguồn rác thải hữu cơ.

{keywords}
Hiện tại công ty của chị Bùi Thị Bích Ngọc, phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có 4 dòng sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và Enzyme mang thương hiệu Fuwa3e.

Theo chị Bích Ngọc, qua phân tích của các nhà chuyên môn cho thấy, chất tẩy rửa nói chung và nước tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hàng ngày nói riêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. 

Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm tẩy rửa này đều được sản xuất theo phương pháp công nghiệp với thành phần là các chất hóa học tổng hợp thường không tốt cho môi trường. 

"Nhưng những sản phẩm của Fuwa-3e ra đời đã đón đầu được xu thế sử dụng sản phẩm hữu cơ, an toàn của người dùng, lại có giá thành thấp hơn những sản phẩm cùng loại nên được khách hàng đón nhận", chị Bùi Thị Bích Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH cho biết thêm.

{keywords}
Chị Bùi Thị Bích Ngọc, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) rất tự tin với những sản phẩm nước tẩy rửa sinh học do mình nghiên cứu ra.

Hiện tại, các sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn, của Fuwa3e của công ty đã được bày bán ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị uy tín ở 63 tỉnh, thành trong cả nước với hơn 300 đại lý và cộng tác viên… 

Ngoài ra, hiện công ty cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo. Trung bình mỗi tháng công ty đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm, với doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Điều đặc biệt là sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn, của Fuwa3e của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH đã được bình chọn là 1 trong 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

{keywords}
Điều đặc biệt là sản phẩm rửa tay, rửa chén, lau sàn, của Fuwa3e của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH của chị Bùi Thị Bích Ngọc đã được bình chọn là 1 trong 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao của TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới của Công ty, chị Bùi Thị Bích Ngọc bày tỏ: Thời gian tới, chị sẽ đẩy mạnh tìm kiếm mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất, thiết kế mẫu mã đáp ứng kiểu dáng công nghiệp cũng như xúc tiến các kênh phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường, mang đến cho bà con hàng Việt với tính năng an toàn, xanh sạch cho môi trường, lại vừa tốt cho sức khỏe cộng đồng. Đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu tái chế thêm một số loại rác thải trong nông sản.

Hiện, sản phẩm nước tẩy rửa thương hiệu Fuwa3e của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH đã được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh công nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt 98%. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

(Theo Dân Việt)