Thị trường chứng khoán giảm mạnh, hàng loạt các cổ phiếu xuống đáy. Nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi để các đại gia tung trăm, ngàn tỷ để thâu tóm các doanh nghiệp làm ăn tốt hoặc có quỹ đất vàng lớn.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), gần 64 triệu cổ phiếu HTM của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - một doanh nghiệp bán lẻ lớn của Hà Nội vừa được chuyển nhượng ở mức giá hấp dẫn, không lâu sau khi cổ phiếu này lên sàn UPCOM.
Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và XNK An Phú đã mua vào gần 31,9 triệu cổ phiếu HTM của Hapro trong phiên giao dịch ngày 18/5/2018. Số cổ phần An Phú mua vào chiếm 17,7% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Hapro.
Đây cũng là phiên trên thị trường chứng khoán xuất hiện giao dịch thỏa thuận với số cổ phiếu đúng bằng số cổ phiếu mà Công ty An Phú mua vào với giá bình quân 10.500 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị hơn 334 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thương mại ô tô Thành Công cũng đã hoàn tất mua vào tổng cộng gần 27,6 triệu cổ phiếu HTM, tương ứng tỷ lệ 15,31% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Hapro trong ngày 23 và 28/5/2018. Đây cũng là ngày xuất hiện thỏa thuận lớn cổ phiếu HTM với giá bình quân 10.500 đồng/cổ phiếu.
Tổng cộng gần 64 triệu cổ phiếu HTM của Hapro đã được trao tay với mức giá thấp hơn khá nhiều so với mức giá đấu thành công trong phiên bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Hapro hồi tháng 3/2018.
Trong phiên IPO hôm 30/3/2018, Hapro đã bán thành công hơn 75,9 triệu cổ phần, tương đương 34,51% vốn điều lệ với mức giá bình quân 12.908 đồng, cao hơn so với mức giá khởi điểm 12.800 đồng/cp.
Cả 2 doanh nghiệp mua cổ phần Hapro nói trên đều chưa từng sở hữu cổ phiếu HTM. Tuy nhiên, sau giao dịch thỏa thuận họ chiếm gần 85% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang niêm yết của công ty (hơn 75 triệu cổ phần).
Trên thực tế, số cổ phiếu đang lưu hành của Hapro là 180 triệu cổ phần. Trong đó, phần lớn bán cho đối tác chiến lược.
Theo phương án phê duyệt cổ phần hóa diễn ra ngày 30/3, Hapro bán 65% cổ phần cho đối tác chiến lược, 34,51% được bán đấu giá công khai và 0,49% được bán ưu đãi cho người lao động.
Hapro là một doanh nghiệp thương mại lớn của Hà Nội nhưng làm ăn sa sút nhiều năm, không có vai trò điều tiết trên thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất rất lớn, nằm ở các vị trí đắc địa. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.
Theo phương án cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua 143 triệu cổ phần (tương đương 65%). Giá mua sẽ không thấp hơn mức giá trúng giá tại phiên đấu giá công khai ngày 30/3.
UBND thành phố Hà Nội khi đó đã có quyết định phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro trở thành cổ đông chiến lược của Hapro. Như vậy, với mức giá khởi điểm 12.800 đồng/cp, DN dự kiến sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.800 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.
Vinamco là một cái tên khá nổi tiếng trong các phiên đấu giá cổ phần nhà nước trong thời gian gần đây. Vinamco cũng từng chi 1.250 tỷ đồng để mua hơn 97% cổ phần Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông Vận tải và từng ngỏ ý tham gia mua 36% cổ phần của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trong năm 2016.
Về Hapro, đây là một tổng công ty thuộc Hà Nội. Hapro là một doanh nghiệp bán lẻ nổi địa, đầu tư phát triển hạ tầng và xuất nhập khẩu khá nổi tiếng, sở hữu nhiều công ty con cũng rất nổi tiếng (như Thủy Tạ, TMDV Tràng Thi, Gốm Chu Đậu…) và cả trăm mảnh đất vàng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này làm ăn không hiệu quả, lợi nhuận phập phù.
Giá trị doanh nghiệp Hapro được xác định là trên 4.000 tỷ đồng nhưng nợ phải trả gần 1,9 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị phần vốn nhà nước khoảng hơn 2,1 ngàn tỷ đồng.
Một điểm được nhiều nhà đầu tư quan tâm là quỹ đất mà Hapro đang quản lý và sử dụng rất lớn, lên tới 114 địa điểm, trong đó có 96 địa điểm tại Hà Nội. Rất nhiều trong số đó là đất vàng như 280m2 tại Đinh Tiên Hoàng (bờ hồ Hoàn Kiếm), 500m2 tại Điện Biên Phủ Hà Nội, hơn 1,8 ngàn mét vuông tại Lương Đình Của… và hàng loạt các tổ hợp thương mại văn phòng.
Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang, Việt Trì, Phú Quốc… Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, dòng vốn nội và ngoại vẫn có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Sau vài phiên giảm điểm cực mạnh, thị trường chứng kiến một phiên hồi phục hôm qua (20/6). Tuy nhiên, thanh khoản khá thấp.
Nhiều cổ phiếu trụ cột tăng trở lại đã giúp thị trường hồi phục. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB… đều tăng trở lại. Vincom Retail, Bảo Việt, Hòa Phát, Vinamilk, Sabeco, Masan… cũng tăng giá.
TTCK Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới đang chao đảo sau khi Mỹ và Trung Quốc liên tục khởi động cuộc chiến thương mại. Thị trường tài chính thế giới còn chịu áp lực khi đồng USD lên giá sau khi Fed phát triển hiệu thắt chặt tiền tệ nhanh hơn nữa.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK hiện vẫn đang chịu áp lực giảm điểm. Tâm lý nhà đầu tư vẫn lo ngại sau phiên sụt giảm mạnh trước và các tín hiệu tiêu cực từ bên ngoài. Các yếu tố rủi ro ngoại biên đang ở mức cao.
Kết thúc phiên giao dịch 20/6, VN-index tăng 18,79 điểm lên 980,95 điểm; HNX-Index tăng 1,53 điểm lên 112,11 điểm. Upcom-Index tăng 0,34 điểm lên 52,02 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu cổ phần. Giá trị đạt gần 4,6 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Đại gia ôm đất đặc khu dính đòn: Giá đổ dốc, nhà đầu tư tháo chạy
Đại gia ngoại bất ngờ quay đầu bán cổ phiếu và không còn duy trì tình trạng tiền mặt 0%. Tỷ trọng cổ phiếu bất động sản cũng giảm xuống.
Biến mất suốt 5 năm, bí ẩn nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến
Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, nổi tiếng với Tập đoàn Tân Tạo và các siêu dự án hàng tỷ USD. Từng lọt nhóm những người giàu nhất trên TTCK, bà Yến bỗng dưng biến mất trong 5 năm qua.
23 tuổi sở hữu 1.700 tỷ, đại gia trẻ tuổi giàu hơn Bầu Đức
Hàng loạt các giao dịch sang tên bí ẩn tại VPBank đã tạo ra thêm nhiều đại gia trẻ tuổi là cổ đông của ngân hàng và có tài sản ngàn tỷ.