Hiện công ty đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện (PMIS) dùng chung của EVN vào vận hành, khai thác được đa số các phân hệ trên phần mềm, giúp quản lý kỹ thuật hiệu quả và khoa học.

Giao diện hệ thống quản lý kỹ thuật - PMIS

Nhiệt điện Duyên Hải đã hoàn thành cập nhật 100% cây thư mục thiết bị đến thiết bị lên phần mềm PMIS (126.604 thiết bị), cập nhật 126.539 dữ liệu thuộc tính (99,9%), 126.527 thông số vận hành (99.9%), 126.560 an toàn thiết bị (99.9%). Đối với dữ liệu vật tư đã cập nhật được 124.940 thiết bị (98,7%), vận hành sửa chữa đã cập nhật 126.398 thiết bị (99,8%). Theo kết quả đánh giá trên phần mềm PMIS trong năm 2022, việc cập nhật các dữ liệu trên phần mềm PMIS đạt 1.08 điểm trên 1.1 điểm tối đa, vượt kế hoạch đề ra. 

Bên cạnh đó, công ty cũng đã hoàn thành việc phân tích RCM và ban hành quyết định số 1187/QĐ-NĐDH về việc phê duyệt kết quả phân tích RCM đối với các hệ thống thuộc Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3; hoàn thành việc cập nhật kết quả phân tích RCM cho toàn bộ 20 hệ thống (bao gồm 8 hệ thống năm 2021 và 12 hệ thống năm 2022) lên phần mềm PMIS.

 Giao diện phân hệ thiết bị

Theo báo cáo của công ty Nhiệt điện Duyên Hải, toàn bộ danh mục sửa chữa các tổ máy sẽ được ứng dụng CNTT theo phương pháp RCM. Việc số hóa quy trình xử lý khiếm khuyết thiết bị, quy trình giám sát, nghiệm thu sửa chữa trên phần mềm PMIS thay cho quy trình truyền thống đã mang lại hiệu quả cao cho việc lập phương án sửa chữa các hệ thống thiết bị, cập nhật đầy đủ danh mục hệ thống cần phân tích… Từ đó, hàng năm công ty sẽ theo dõi và thực hiện phân loại, lựa chọn để áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng phù hợp, giúp giảm sự cố và tăng hệ số khả dụng cho các tổ máy. 

Trong năm 2023, trên cơ sở 20 hệ thống thiết bị đã hoàn thành phân tích RCM, Nhiệt điện Duyên Hải cho biết sẽ triển khai thực hiện 4 hệ thống thiết bị, bao gồm: hệ thống quá nhiệt lò hơi, hệ thống tái nhiệt lò hơi, hệ thống sinh hơi và hệ thống bộ hâm để áp dụng kết quả phân tích phục vụ xây dựng, phê duyệt danh mục và phương án kỹ thuật sữa chữa lớn năm 2024.

 Giao diện phân hệ sản xuất điện

Song song đó, công ty cũng đã rà soát lập danh sách 43 quy trình vận hành, bảo dưỡng sữa chữa cần hiệu chỉnh, ban hành lại và 74 quy trình vận hành, bảo dưỡng sửa chữa ban hành mới, nhằm hệ thống hoá các thủ tục thực hiện trong bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và đảm bảo hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị máy móc…

Đại diện công ty Nhiệt điện Duyên Hải chia sẻ: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho chúng tôi như: tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu về quản lý vận hành để các nhà máy luôn vận hành an toàn tin cậy”. 

“Có thể khẳng định, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng để Nhiệt điện Duyên Hải có thể sản xuất điện an toàn, ổn định, hiệu quả và kinh tế; là nền tảng quan trọng giúp công ty nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025”, đại diện công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho hay. 

Quốc Tuấn