Dù bị thu hồi giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội cho tập thơ 'Sẹo độc lập' vì có bài 'Bạch lộ' trong đó quá giống với bài 'Buổi sáng' nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan nhưng Phan Huyền Thư vẫn không nhận mình ‘đạo’. Và cho dù cô có viết một thư ngỏ thật dài trình bày về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì những người bình thường cũng có thể tìm ra được sự phi logic trong cách giải trình này.
Phan Huyền Thư và bìa tập thơ 'Sẹo độc lập'. |
Giải trình phi logic
Theo nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, sau khi có thông tin phát hiện 2 bài thơ Bạch lộ và Buổi sáng giống nhau đến kinh ngạc, Phan Huyền Thư có gọi cho chị hỏi nghĩ sao về việc này” và còn xin nhà thơ Thường Đoan giữ im lặng để cô tĩnh tâm suy nghĩ. Điều này có trái ngược không khi Phan Huyền Thư nhất nhất nói rằng thơ của mình sáng tác năm 1996, chỉ là người in sau chứ không phải sáng tác sau. Vậy khi biết có một bài thơ giống của mình đến thế, với bản tính của Huyền Thư, chắc chắn chị sẽ không để ‘yên chuyện’ chứ đừng nói gọi cho tác giả có bài thơ giống mình xin im lặng.
Huyền Thư không nhận mình đã đọc bài thơ của Phan Ngọc Thường Đoan nhưng lại nhận mình có nghe bài này do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Bài thơ phổ nhạc cả chục năm, đĩa gửi tới giới văn sĩ nhiều vô kể, vậy khi nghe nhạc Phan Huyền Thư không thấy ca từ quen quen, giống của mình đến thế hay sao?
Phan Huyền Thư cũng có nói rằng, chị viết bài thơ cuối năm 1996 và gửi sang Mỹ 1 năm sau đó. “Nhớ lại, khi ấy hoàn cảnh liên lạc với anh em văn nghệ hải ngoại không hiện đại như bây giờ. Nhiều khi anh em bên đó nhận được bài, tự chọn, tự đưa cho chỗ nào, ở nhà tôi cũng không được biết, anh em văn nghệ có được điều kiện đọc của nhau, in được cho nhau là vui rồi! Nên bản thảo tôi gửi rất vui vẻ, vô tư và chẳng có ý kiến chọn hay cầu kỳ nào, lúc thì Hợp Lưu, lúc thì tạp chí Thơ, lúc sang Thế kỷ 21... Chỉ khi nào có ai ở bên ngoài cầm về cho tôi cuốn nào, tôi quý cuốn đó”, Phan Huyền Thư trần tình.
Tại sao 2 tạp chí như thế mà khi Phan Huyền Thư gửi bản thảo sang cũng không quan tâm tới việc bài có được đăng hay không? Bình thường, nếu bài không được đăng chắc chắn tạp chí hay trang báo đó phải gửi lại bản thảo hoặc thông báo cho tác giả. Thêm nữa, nếu nói rằng bài thơ Phan Huyền Thư ra đời trước, chẳng hạn có được in trên tạp chí mà chị trình bày thì có lẽ nào, thời đó nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đọc Hợp Lưu hay tạp chí Thơ dài hạn rồi ‘xào' bài?
Tiếp đến, Phan Huyền Thư cho rằng bài thơ gốc ban đầu có tên Độc ẩm với bình minh, sau gần hai năm đổi thành Độc ẩm cuối thu và sau lấy ngắn gọn là Độc ẩm. Cuối cùng nó có tên là Bạch lộ với lời tựa 'Độc ẩm với Lã Bất Vi'. Thế nhưng, giải thích này khiến giới văn sĩ cảm thấy ‘lạ’ bởi Độc ẩm nghĩa là uống trà một mình, sao lại còn với Lã Bất Vi? Nếu vậy thì phải là 'Đối ẩm với Lã Bất Vi' mới đúng?
Thu hồi giải cho yên dư luận?
Hội nhà văn Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi giải thưởng dành cho tập thơ Sẹo độc lập. Quyết định thu hồi được đưa khi thấy 2 bài thơ giống nhau đến kinh ngạc. Thêm vào đó là việc Phan Huyền Thư đưa ra chứng cứ chưa thuyết phục. Việc thu hồi này có vẻ hơi vội vàng và dường như chỉ để chỉ dẹp yên dư luận. Bởi điều dư luận quan tâm là 'ai đạo thơ ai'.
Vậy giả dụ, Phan Huyền Thư sau khi nhờ được người quen bên Mỹ tìm được bản thảo hay có tạp chí nào bên Mỹ đã từng đăng bài thơ của chị thì có nghĩa là việc rút giải thưởng quá oan cho Phan Huyền Thư. Khi đó Hội nhà văn HN lại phải trả lại giải cho Phan Huyền Thư?
Một vị trong hội đồng họp khẩn cấp quyết định thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư cho hay: “Dư luận như thế, cứ thu hồi cãi đã còn mọi chuyện tính sau. Vì bản thân tập Sẹo độc lập là do Hội nhà văn Hà Nội trao, lùm xùm như thế thì thu hồi. Còn nếu muốn tìm ra chân tướng sự việc còn phải phụ thuộc vào 2 nhà thơ có muốn hay không”.
T.Lê