Báo cáo gửi đến phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sơ kết công tác cải cách hành chính sẽ diễn ra vào sáng mai (19/7), Bộ Nội vụ khái quát lại nhiều kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm.

Hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với hơn 2.390 tỷ đồng

Một trong những kết quả nội bật theo Bộ Nội vụ là xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Bộ Nội vụ cho biết, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, xác định rõ biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân…

Tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 6/2023 là 21.790.042 giao dịch; trong 6 tháng đầu năm đạt 276.938.860 giao dịch, trung bình hàng ngày có khoảng 1,38 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,35 tỷ giao dịch.

Đến nay, đã hỗ trợ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.

Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức.

Trên Toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội.

Tính đến ngày 22/5/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 35.898.836 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.696.362 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, 4.905.771 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 8.810.207 dữ liệu đăng ký kết hôn; 5.441.461 dữ liệu đăng ký khai tử và 9.718.669 dữ liệu khác.

Ngoài ra, 52/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai với hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai cấp địa phương với nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các bộ ngành, địa phương (từ tháng 7/2021).

Bộ Nội vụ cũng cho hay, trong 6 tháng đầu năm, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua trục khoảng 3,6 triệu văn bản, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến nay đã có hơn 23 triệu văn bản gửi, nhận trên trục.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến nay, hệ thống đã phục vụ 75 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.670 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 575 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Trong 6 tháng đầu năm, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng…

Kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, né tránh trách nhiệm

Ngoài ra, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, nhiều nội dung đổi mới cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Tại kỳ họp vào tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình trước Quốc hội về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.

Bộ Nội vụ đang tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; hoàn thiện Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương.

Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, chỉ đạo Bộ Nội vụ có những tham mưu, giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó trong 6 tháng đầu năm trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật. Một số địa phương có nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật như: Hà Tĩnh (138 người), Quảng Bình (68 người), Đồng Nai (51 người), Đà Nẵng (25 người), Cao Bằng (16 người), Hà Nội (15), Quảng Ngãi (14 người), Yên Bái (13 người),…

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…

Nguyễn Thị Thu Hằng, Đặng Hoài Thanh, Nguyễn Thành Huế, Lê Tuyết Nhung, Phùng Thu Thủy