Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được biết đến với hệ sinh quyển độc đáo với hệ thực động vật phong phú. Đây còn là điểm đến du lịch, trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa. Vườn có 3 mặt giáp biển. Là nơi giao thoa giữa hai vùng biển phía Đông và phía Tây. Vườn cũng chịu tác động của hai dòng thủy triều và mỗi năm sẽ tự bồi thêm vài chục mét bãi bồi. Vì vậy, đây là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật và thủy sinh.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thành lập năm 2003, đây là khu rừng nguyên sinh ngập mặn lớn nhất của nước ta với diện tích 41.000ha, trong đó có 15.000 ha là diện tích đất liền, 26.000ha là ven biển tiếp xúc với đất liền. Sở hữu hệ sinh thái đa dạng phong phú giữa đất liền và biển, từ tháng 10 dương lịch, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là nơi nhiều loài chim hoang dã xuất hiện để tìm chuỗi thức ăn, trú ẩn và sinh sản nhất là các khu vực bãi bồi, khu vực nuôi tái sinh rừng. Những loại chim hoang như cò trắng, chim cót, bồ nông, giang sen, cà cuốc. 

Mùa chim di cư và trú ẩn, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng là nơi nhiều đối tượng vào săn bắt, bẫy chim trái phép. Những đối tượng nay đa phần là người dân địa phương sống quanh khu vực vùng đệm của Vườn. Các đối tượng thường dùng lưới giăng vào các khoảng đất trống ven rừng và thực hiện vào ban đêm. Chim cò được khai thác trái phép các đối tượng mang đi mua bán làm chim cảnh hoặc làm thực phẩm. Hành vi này đã ảnh hưởng rất nhiều tới môi trường, làm suy giảm và nguy cơ tận diệt các loài chim tự nhiên tại Cà Mau.

chim hoang da.jpg
Bảo vệ chim hoang dã góp phần đa dạng sinh học. Ảnh: Phương Anh.

Nắm rõ đặc điểm săn bắt chim của các đối tượng khai thác trái phép, Ban quản lý Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp khác nhau bảo vệ chim hoang dã trên hành trình di cư, sinh sản. 

Trong đó, công tác tuyên truyền cho người dân sống ven khu vực của Vườn về ý nghĩa và lợi ích của việc bảo tồn đa dạng sinh học,bảo tồn các loài chim quý hiếm, bảo vệ thiên nhiên. Tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và hành vi khai thác trái phép chim là vi phạm pháp luật. Vận dụng các hình thức tuyên truyền như vận động trực tiếp, qua loa phát thanh cơ sở, qua các điểm du lịch trong khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Từ đó, người dân ven Vườn đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Qua hệ thống loa phát thanh, nhiều người tự nguyện giao nộp các loại vật dụng dùng để săn bắt chim hoang dã.

Vườn quốc gia cũng giao cho các lực lượng cán bộ của Vườn thường xuyên tuần tra, giám sát để quản lý rừng, phát hiện kịp thời các hành vi săn bắt chim hoang dã. Các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Vườn quốc gia cũng phối hợp với địa phương yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, người dân, các khu du lịch sinh thái ký cam kết không săn bắt, bẫy chim và giết mổ, tiêu thụ chim hoang dã.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng thường xuyên phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức quốc tế triển khai các đề án nghiên cứu đa dạng sinh học, các giải pháp bảo vệ và bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Từ năm 2022, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại  Việt Nam triển khai thực hiện dự án “Cải thiện cuộc sống của cộng đồng người nghèo thông qua các sinh kế thay thế thân thiện với bảo tồn tại các khu đất ngập nước Ramsar ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Ngoài nhiệm vụ triển khai bảo tồn đa dạng sinh học ở khu Ramsar, dự án còn tập trung triển khai nhiều chương trình tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư khu vực vùng đệm các khu Ramsar về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa. 

Với nhiều giải pháp đồng bộ như vậy, hiện nay tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau hiện tượng săn bắt chim hoang dã đã giảm đáng kể. Người dân có sinh kế mới hăng hái tham gia phát triển kinh tế, không còn cảnh đi săn chim hoang, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ các loài chim quý hiếm, hoang dã, di cư, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Phương Anh