Ngành kỹ thuật hàng không “khát” nhân lực
Giai đoạn 2008-2018 là quãng thời gian đánh dấu số lượng tàu bay của hàng không Việt Nam tăng lên gấp 3 lần, từ 60 lên 192 chiếc. Đây cũng là giai đoạn thị trường vận tải hàng không Việt Nam diễn ra vô cùng sôi động.
Năm 2017, tập đoàn FLC đã manh nha việc thành lập một hãng bay riêng. Sau hơn một năm chuẩn bị, hãng hàng không Bamboo Airways xuất hiện và chính thức vận hành vào đầu năm 2019.
Đến cuối năm 2018, một đơn vị lữ hành khác là Vietravel cũng tuyên bố sẽ ra nhập lĩnh vực hàng không. Vietravel Airlines đã có những bước khởi động để kịp bay chuyến đầu tiên dự kiến vào ngày 1/1/2020.
Cũng trong tháng 7/2019, Vingroup chính thức khẳng định sẽ đặt chân sang lĩnh vực hàng không và xác định cho mình những mục tiêu đầy tham vọng về hãng hàng không Vinpearl Air.
Trước những thực tế đang diễn ra ở thị trường Việt Nam, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Hiện hàng không Việt Nam đang được đánh giá thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số.”
Nhiều hãng bay xuất hiện, nhu cầu ngành kỹ thuật hàng không sẽ cao
Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” về đội tàu bay và mạng lưới bay trên cả nước trong khi chưa chuẩn bị kịp nguồn nhân lực đã dẫn đến khủng hoảng thiếu nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao.
Theo TS Vũ Đình Quý, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Hàng không & Vũ trụ (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), hiện nay cả nước có rất ít cơ sở đào tạo về ngành kỹ thuật hàng không. Ngoài những trường quân sự đặc thù, cả nước chỉ có một số nơi đào tạo kỹ thuật hàng không bậc đại học là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Học viện Hàng không Việt Nam.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đào tạo ra khoảng 1.000 kỹ sư; trong đó một khóa ra trường chỉ khoảng 40-50 sinh viên. Nhưng mỗi chiếc máy bay, đội ngũ kỹ sư cần có lên đến 40-50 người. Với số lượng đầu ra ít ỏi như vậy hoàn toàn không đủ đáp ứng nhu cầu nhân sự của các hãng hàng không”, ông Quý cho biết.
Theo dự báo hàng năm, nhu cầu nhân lực của các hãng bay luôn ở mức cao. Chỉ riêng Vietnam Airlines, hãng này đang khai thác vận hành trên 115 máy bay với 2.500 kỹ sư. Sự liên tục rộng mở của ngành hàng không cũng là một đòi hỏi bức thiết về nhu cầu nguồn nhân lực ngành này.
Bảo dưỡng máy bay thu nhập 27-250 triệu đồng
Năm 2019, ngành Hàng không và Chế tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm ngành Top 500 thế giới theo bảng xếp hạng của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds 2019 (QS, Vương quốc Anh). Kết quả xếp hạng này nhờ vào hai tiêu chí về đánh giá của giới hàn lâm và đánh giá của nhà tuyển dụng.
Thực tế, 1/3 sinh viên của trường ngay sau khi tốt nghiệp đã được nhận vào làm tại các hãng hàng không như Vietnam Airline, Vietjet Air, Bamboo Airways. Số khác sẽ lựa chọn đi du học hoặc làm việc trong các công ty liên quan đến kỹ thuật hàng không. Tỉ lệ có việc làm sau khi ra trường của ngành này đạt mức gần tuyệt đối.
Cũng vì là ngành đặc thù, lại khan hiếm nguồn nhân lực nên nhiều vị trí trong ngành hàng không được trả lương tới gần 250 triệu đồng (với những nhân sự có kinh nghiệm và chứng chỉ chuyên sâu).
Đối với bảo dưỡng máy bay ở một số công ty chuyên dịch vụ bảo dưỡng, mức lương dành cho những vị trí công việc này trung bình khoảng 27 triệu đồng/ tháng.
Thậm chí, nhiều công ty liên kết với các đối tác nước ngoài, mức thu nhập của nhóm bảo dưỡng máy bay có thể lên tới gần 250 triệu đồng/ tháng. Mức chi trả như vậy được cho vẫn còn thấp so với thị trường nước ngoài.
Một lãnh đạo ngành hàng không cho biết, trên thực tế, nguồn nhân lực bảo dưỡng máy bay hiện nay còn khan hiếm vì để làm được công việc này cần mất nhiều thời gian và chi phí để học tập. Mặt khác, hàng năm nhóm này phải thi chứng chỉ do các hãng như Boeing, Airbus cấp.
Do vậy, các hãng hàng không Việt Nam luôn chào đón những nhân lực được đào tạo bài bản tại các cơ sở có uy tín chất lượng để phần nào giải quyết bài toán khan hiếm hiện nay.
Trường Giang
Điểm chuẩn của ĐH Bách khoa Hà Nội dự báo từ 19-28 điểm
- Theo dự báo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn của trường này có ngành lên tới 27-28 điểm. Tuy nhiên, cũng có ngành lại chỉ ở mức điểm chuẩn là 19-20 điểm.