Việc thanh tra được tiến hành với 12 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau) về đội ngũ nhà giáo; hệ thống các cơ sở đào tạo; bồi dưỡng nhà giáo; biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD-ĐT; thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục.

Qua thanh tra, kiểm tra, xác minh trực tiếp tại 12 tỉnh, cơ quan Thanh tra phát hiện một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Cụ thể, về đội ngũ nhà giáo, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của một số đơn vị còn một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm như: bổ nhiệm lần đầu quá tuổi bổ nhiệm; bổ nhiệm nhưng còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh theo quy định; bổ nhiệm không có trong quy hoạch.

Nhiều trường hợp được bổ nhiệm là lãnh đạo Sở GD-ĐT nhưng chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh giám đốc.

Cụ thể, tỉnh Gia Lai 114 trường hợp; Kon Tum 28, Bình Định 63, Long An 113, Tiền Giang 250, Đồng Tháp 200, Kiên Giang 134, Cà Mau 69.

14 trường hợp được bổ nhiệm là lãnh đạo Sở GD-ĐT nhưng chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc do Bộ GD-ĐT quy định (Long An 2 trường hợp, Tiền Giang 3, Đồng Tháp 4, Kiên Giang 1, Cà Mau 4).

Riêng Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2014-2018 đã được nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến công tác cán bộ. Thậm chí, đã có yêu cầu Sở GD-ĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. 

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Tiền Giang chưa tiếp thu nghiêm túc, chậm hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, dẫn đến công tác bổ nhiệm, tuyển dụng vẫn lặp lại vi phạm.

Việc điều chuyển, tiếp nhận viên chức chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vị trí việc làm. Một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu bổ sung đội ngũ, đảm bảo cân đối về cơ cấu bộ môn.

Tiền Giang đã điều chuyển giáo viên bộ môn mà các cơ sở giáo dục không có nhu cầu bổ sung hoặc đang dôi dư. Trong khi đó, nhiều bộ môn mà cơ sở giáo dục đề xuất bổ sung lại không được bố trí, sắp xếp như: Sở GD-ĐT, UBND các huyện Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây.

Trong đó, riêng Sở GD-ĐT điều chuyển 39 trường hợp không đúng quy định.

Nhiều giáo viên, viên chức đủ điều kiện vẫn không được thăng hạng

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, việc triển khai thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của UBND các tỉnh Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai, Kon Tum chậm. 

Đến cuối năm 2019, các tỉnh  trên mới triển khai, phê duyệt đề án, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của viên chức giáo dục.

Một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái còn nhiều giáo viên có trình độ ĐH và CĐ đủ thời gian để thăng hạng 3,2 nhưng chưa được bồi dưỡng chứng chỉ hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn để đủ tiêu chuẩn được thi hoặc xét thăng hạng.

Từ các kết quả trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND 12 tỉnh trên kiểm tra, xác minh lại những vi phạm trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.  Tổ chức rà soát lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nếu còn trường hợp chưa bổ sung đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm. 

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc tỉnh thực hiện triệt để việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, viên chức đủ điều kiện theo các quy định của Chính phủ.

Chỉ đạo Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ rà soát, có phương án giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các cơ sở trong toàn tỉnh.

Các tỉnh trên cũng cần chỉ đạo, yêu cầu Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện điều động, tiếp nhận viên chức là giáo viên, nhân viên giữa các cơ sở giáo dục đảm bảo đúng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vị trí việc làm...