W-metro 1.jpg

Sáng 24/8, ngày thứ 2 tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức thu phí, ngoài những người có nhu cầu di chuyển vì công việc, nhiều nhóm bạn trẻ, gia đình vẫn tiếp tục trải nghiệm loại hình vận tải mới ở Hà Nội.

W-metro 2.jpg

Chị Phương Anh cùng bố và con gái đã đi taxi từ gần bến xe Mỹ Đình đến ga Lê Đức Thọ, chi phí hết 20.000 đồng rồi mua tiếp 2 vé (mỗi vé 10.000 đồng) để di chuyển bằng tàu metro tới ga Cầu Giấy, xuống địa điểm tiêm cho em bé.

Chị Phương Anh chia sẻ, nếu đi thẳng bằng taxi từ nhà tới phòng khám sẽ mất 70.000 đồng, hai chiều là 140.000 đồng, còn chịu khó "tăng bo" với tàu metro, cả đi lẫn về chỉ phải chi 80.000 đồng, tiết kiệm được 60.000 đồng.

W-metro 3.jpg

Chị Nguyễn Minh Thu cũng lựa chọn metro tuyến Nhổn - ga Hà Nội làm phương tiện đi làm hằng ngày. Chị cho biết, nhà ở phố Ngọc Hà (quận Ba Đình), cơ quan ở gần khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), cách khoảng 8km. Mấy ngày nay chị đã chủ động thay đổi hình thức di chuyển bằng cách đi xe máy đến ga Cầu Giấy gửi ở gần đó rồi lên tàu metro.

W-metro 4.jpg

Một trường hợp khác, anh Hải Thanh cũng chủ động mua vé metro tháng để thay đổi phương tiện đi làm hằng ngày. Anh cho biết, nhà ở phố Trần Hữu Dực, còn văn phòng làm việc phố Kim Mã, mỗi nơi cách ga gần nhất từ 1-3km. Từ tháng 9/2024, anh sẽ mang theo xe đạp gấp để kết hợp đạp xe tới ga, đi làm bằng tàu metro, vừa không phải chịu cảnh ùn tắc giao thông, vừa tăng cường sức khỏe.

W-metro 5.jpg

Theo ghi nhận trên các đoàn tàu metro sáng 24/8, nhiều thời điểm tương đối vắng khách. Trong ảnh là nhóm bạn trẻ tự bỏ tiền để trải nghiệm dịch vụ vận tải mới. Họ cho biết, sở dĩ lựa chọn thời điểm đã thu phí để trải nghiệm nhằm tránh cảnh phải chen lấn, mức phí trải nghiệm với mỗi người cũng chỉ 10.000 đồng.

W-metro 6.jpg

Ga Cầu Giấy là một trong hai ga đông khách nhất tuyến, nhưng ngày 24/8 cũng thưa vắng khách, không còn cảnh chen lấn giữa người lên và xuống như trước. 

W-metro 7.jpg

Tuy nhiên, cũng theo phản ánh, ở một số ga vẫn còn những biển hiệu hướng dẫn chưa khoa học để giúp khách dễ dàng nhận biết, di chuyển. Nhìn tấm biển "đi Hà Nội", nhiều người phải nghĩ một lúc vì bản thân họ đang ở giữa Hà Nội. Nếu nhìn thêm tấm biển bên dưới họ mới biết đó là chiều đi về phía ga Cầu Giấy.

W-metro 8.jpg

Nhiều thang cuốn ở một số ga hoạt động không thường xuyên, lúc chạy lúc dừng, khách và nhân viên nhà ga phải bước bộ lên một cách chệnh choạng.

W-metro 9.jpg

Một phụ nữ sau khi kết thúc hành trình, lúc nhét thẻ vào khe trả lại để đi ra đã không có tác dụng. Bà phải nhờ nhân viên bảo vệ hỗ trợ.

W-metro 10.jpg

Các máy bán vé tự động cũng không có bảng hướng dẫn cho khách sử dụng. Chỉ khu vực nào đông đúc mới có nhân viên đứng gần hỗ trợ.

W-metro 11.jpg

Với nhiều người, cách mua vé tự động còn khá khó khăn, nhất là đối với người già. Muốn hiểu hết cần thao tác nhiều ở màn hình để đọc. Ngay cả người đi tàu ở nước ngoài nhiều, khi về đến đây cũng lúng túng, không hiểu khi nào thì nhét tiền vào, nhét loại mệnh giá nào, và nếu thanh toán bằng tài khoản ngân hàng thì làm cách nào.

Trong 3 tháng đầu, giờ mở tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội là 5h30; giờ đóng tuyến là 22h, giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến.

Theo phương án giá vé hiện tại, vé đi một chặng của tuyến là 8.000 đồng/lượt, 12.000 đồng/lượt đi cả tuyến. Vé ngày có giá là 24.000 đồng, có giá trị trong ngày và không hạn chế số lượt di chuyển.

Người dân cũng có thể mua vé tháng với giá 200.000 đồng/tháng, ưu tiên dành cho học sinh, sinh viên với mức 100.000 đồng/tháng. Nếu mua tập thể và không thuộc đối tượng ưu tiên, giá vé tháng là 140.000 đồng.