Nhiều sai phạm ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà liên kết với Trường ĐH Vinh và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã được Thanh tra Bộ GD-ĐT chỉ rõ.
Coi thi không chặt, nhiều bài thi giống nhau 95%
Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT ngày 20/6 khẳng định, kỳ thi do Trường CĐCN Bắc Hà phối hợp với Trường ĐH Vinh tổ chức ngày 16/4/2017 có nhiều thiếu sót, sai phạm.
Về cơ sở pháp lý, việc Sở GD-ĐT Bắc Ninh, Trường ĐH Vinh cho phép Trường CĐCN Bắc Hà phối hợp và tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho địa phương theo nhu cầu xã hội là không đúng đối tượng và không phải do Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giao.
Trường CĐCN Bắc Hà đã thông báo, tuyển sinh và thu lệ phí ôn tập, thi trước khi ký hợp đồng với ĐH Vinh ngày 10/4/2017. Việc tuyển sinh thông qua nhiều khâu trung gian, hình thức tuyển sinh thiếu công khai.
Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà. |
Việc thu lệ phí qua nhiều khâu trung gian, một số học viên nộp tiền nhiều hơn so với quy định trong hợp đồng giữa CĐCN Bắc Hà và Trường ĐH Vinh, chứng từ thu chi không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, một số trường hợp thí sinh dự thi bậc A2 đã nộp số tiền là 3.400.000 đồng qua người trung gian, cao hơn số tiền đã ký xác nhận trong hồ sơ lưu của Trường CĐCN Bắc Hà cũng như mức quy định tại hợp đồng giữa CĐCN Bắc Hà và Trường ĐH Vinh là 2.500.000 đồng.
Nhiều học viên phải nộp số tiền lên tới 4.000.000 đồng qua trung gian để thi chứng chỉ A2.
Hồ sơ lưu tại trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà có 33 giấy nộp tiền mặt, mỗi giấy có 1 người đại diện nhóm học viên ký nộp tiền, không ghi đầy đủ thông tin về người nộp tiền.
Việc tổ chức ôn tập, tổ chức thi cũng có nhiều sai phạm.
Việc ôn tập chưa đủ thời gian theo quy định. Cơ sở vật chất thiết bị cho đến đề thi còn hạn chế.
Ngày 16/4/2017, tại Trường CĐCN Bắc Hà có 827 thí sinh dự thi ở 20 phòng thi, trong đó trình độ A2 có 363 thí sinh/9 phòng thi, trình độ B1 có 411 thí sinh/10 phòng thi, trình độ B2 có 53 thí sinh/1 phòng thi.
Tuy nhiên, thiết bị phục vụ coi thi chưa đủ, còn có cán bộ coi thi chưa thực hiện đúng quy định coi thi, bố trí mỗi cán bộ giám sát 1 tầng từ 5-7 phòng thi không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ giám sát, còn tình trạng thí sinh chép bài của nhau.
Trung cầu ý kiến chuyên môn về bài thi cũng cho thấy, nhiều bài thi có số phách liền nhau giống nhau từ 90-95%.
Về khâu chấm thi, có tới 6/18 cán bộ chấm thi phần kỹ năng nói trong kỳ thi không đảm bảo quy định. Thời gian nói dành cho mỗi thí sinh cũng chưa đủ theo quy định.
Cụ thể, theo quy định thời gian nói cho phần thi nói bậc A2 là 10 phút, tuy nhiên thời gian thi trung bình của mỗi thi sinh tại CĐCN Bắc Hà chỉ có 4 phút.
Đối với kỳ thi do Trường CĐCN Bắc Hà phối hợp với Trường ĐHSP TP.HCM tổ chức ngày 12/3/2017 và 26/3/2017, Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận, việc Sở GD-ĐT Bắc Ninh và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho phép Trường CĐCN Bắc Hà phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực ngoai ngữ cho các địa phương là không đúng đối tượng và không phải do Đền án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giao.
Việc tuyển sinh và thu lệ phí qua nhiều khâu trung gian, thiếu công khai, một số học viên phải nộp tiền cao hơn so với quy định, chứng từ thu lệ tphí không đúng quy định.
"Trách nhiệm này thuộc về Trường CĐCN Bắc Hà" - kết luận nêu rõ.
Về công tác tổ chức thi, Thanh tra kết luận: Thành phần Ban coi thi không có cán bộ giám sát, công an, y tế. Thành phần Ban chấm thi có 8/14 cán bộ có trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 5 là chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chưa ban hành định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của trường, mỗi bài thi chỉ có 1 mã đề. Đồng thời, trường này cũng không cử cán bộ giám sát, phục vụ, y tế tham gia hỗ trợ.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chưa thực hiện công khai đầy đủ thông tin về chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp trên trang điện tử của trường.
"Trác nhiệm này thuộc về Trường ĐH Sư phạm TP.HCM" - kết luận viết.
Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường CĐCN Bắc Hà đã ký hợp đồng ngày 21/3/2017 về việc phối hợp thi đánh giá năng lực ngoại ngữ tại Trường CĐCN Bắc Hà.
Theo đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ cho 221 thí sinh ngày 12/3 và 212 thí sinh ngày 26/3, hưởng 75% kinh phí. Trường ĐH CĐCN Bắc hà tuyển sinh, thu lệ phí, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện đi lại cho cán bộ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hưởng 25% kinh phí.
Rà soát hoạt động liên kết thi đánh giá năng lực ngoại ngữ
Từ kết luận nêu trên Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Trường CĐCN Bắc Hà rà soát, báo cáo toàn bộ hoạt động liên kết, phối hợp trong việc tuyển sinh, ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ từ năm 2015-5/2017 báo cáo Bộ GD-ĐT trước 20/7.
Thanh tra cũng kiến nghị trường thực hiện nghiêm túc việc thông báo tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh theo quy định, thu lệ phí theo đúng cam kết trong hợp đồng với các đơn vị chủ trì và theo quy định pháp luật về kế toán.
Việc liên kết tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đang trở thành kẽ hở cho nhiều cá nhân, tổ chức trục lợi. |
Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân đã xảy ra thiếu sót, sai phạm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GD-ĐT, qua Thanh tra Bộ trước ngày 30/7.
Đối với Trường ĐH Vinh và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát, báo cáo toàn bộ hoạt động tổ chức bồi dưỡng, ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, trong đó có việc liên kết với các cơ quan, đơn vị từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2017.
Riêng với Trường ĐH Vinh, Thanh tra Bộ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác thanh kiểm tra, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các đơn vị, đảm bảo đủ năng lực để công tác tuyển sinh, ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đảm bảo khách quan, chính xác, không ảnh hưởng đến uy tín của trường và gây bức xúc trong xã hội.
Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra những thiếu sót, sai phạm mà Thanh tra Bộ đưa ra.
Thanh tra đã đề nghị Bộ trưởng giao Cục quản lý chất lượng tham mưu sớm ban hành quy định về việc ôn tập, bồi dưỡng, tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Hà Nội có biện pháp chấn chỉnh cấp phép cho các công ty, trung tâm có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn thành phố tránh hành vi lợi dụng để lừa đảo.
Ngay sau kết luận nêu trên của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã ký văn bản 2973 ngày 13/7 yêu cầu tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ cho đến khi Bộ có quy định cụ thể về việc này.
Lê Văn