Đứng "hộ" tên trong các hợp đồng vay tiền mua hàng trả góp để nhận được vài trăm nghìn phí đứng tên hộ, nhiều sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang trở thành những "con nợ" bởi tin vào kịch bản của một nhóm đối tượng lừa đảo. Chỉ đến khi nhận được tin đòi nợ từ các tổ chức tài chính, nhiều sinh viên mới ngỡ ngàng, phát hiện ra đứng tên "hộ" đã thành khoản vay "thật".
Nhận 400.000 - 500.000 đồng một bộ hồ sơ, số lượng không giới hạn, hồ sơ vay sẽ được hủy sau 2 ngày… lời mời hấp dẫn này đã khiến nhiều sinh viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ tham gia vào đường dây làm các bộ hồ sơ vay tiền tại các công ty tài chính để mua hàng trả góp.
Nhận được đơn tố cáo từ các sinh viên và công ty tài chính, Công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện đường dây chuyên lừa đảo do đối tượng Trương Quang Anh Đức (22 tuổi) trú tại thành phố Cần Thơ cầm đầu, tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Theo tài liệu điều tra, Đức đã lên kịch bản, lập ra các hội nhóm trên facebook, zalo để kêu gọi sinh viên ký vào hồ sơ vay tiền mua laptop, điện thoại... Để thu hút nhiều người tham gia, nhóm của Đức đã đưa ra chế độ hoa hồng cao, giới thiệu được người mới sẽ được chi trả 200.000 đồng.
Hơn 220 sinh viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã bị nhóm đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Để tạo niềm tin, nhóm này đã giả danh là nhân viên của các công ty điện máy, có mối quan hệ mật thiết với các công ty tài chính đang cần chạy doanh số bán hàng. Những bộ hồ sơ trên là giả và chỉ khoảng 2 ngày là được vô hiệu hóa.
"Sinh viên là đối tượng chủ yếu vì các bạn còn trẻ, dễ lừa và lên hồ sơ vay thông tin dễ duyệt" đối tượng Trương Quang Anh Đức nói.
Hiện công an đã xác định được hơn 220 sinh viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã bị nhóm đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng của 5 công ty tài chính.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng. Trong quá trình điều tra, phía công ty tài chính tạm thời ngưng thu nợ vì hiểu được hoàn cảnh bị lừa của các sinh viên, đồng thời trình Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng ngoại lệ với các khoản vay này.
Vụ việc trên cũng là hồi chuông cảnh tỉnh người dân cần đọc kỹ bất kể tài liệu nào trước khi ký kết. Không cung cấp giấy tờ tùy thân, không đứng tên vay hộ, mua hộ vì dễ bị lừa, phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đặc biệt, khi có nhu cầu vay, cần liên hệ trực tiếp các tổ chức tín dụng, không qua môi giới, trung gian.
(Theo VTV)