Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận ít nhất 64 ca tử vong do bệnh dại, trong đó khu vực miền Bắc 25 ca, miền Nam 15 ca, miền Trung 9 ca và Tây Nguyên 15 ca. Riêng Gia Lai, số ca tử vong do bệnh dại tăng cao đột biến với 11 ca (cao nhất cả nước tính đến hết tháng 9).

Hồi tháng 3, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết một bệnh nhi 9 tuổi (ở huyện Tân Kỳ) nhập viện với chẩn đoán bị bệnh dại. Người nhà cho biết, trước đó, bé tiếp xúc với chó, mèo bị bệnh dại nhưng gia đình không biết để tiêm phòng vắc xin dại. Sau khi bé phát bệnh, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện cấp cứu nhưng bé đã tử vong.

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng liên tiếp tiếp nhận trẻ gặp tai nạn thương tích do chó cắn. Trong đó, hồi đầu tháng 9, cơ sở này tiếp nhận hai bé trai 8 tuổi ở Gia Lai và 13 tuổi ở Đắk Nông đều mắc bệnh dại ở giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch.

Trong tháng 10, khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiếp nhận 3 trường hợp bị chó cắn nhập viện trong tình trạng đa thương tích, nguy hiểm tính mạng. Cũng trong tháng 10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận cùng lúc 2 trẻ em bị nhiễm trùng do tụ cầu vàng sau khi bị chó cắn.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân tử vong do bệnh dại trên người là do động vật cắn mà không tiêm phòng vắc xin và tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo đạt thấp. 

cho can 2.jpeg
Không thả rông vật nuôi, thả chó ra đường phải được đeo rọ mõm là khuyến cáo của thầy thuốc để phòng tránh tai nạn thương tích do chó cắn.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, khi bị chó, mèo cắn cần đi tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại, bởi người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%.

BSCKII Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo để phòng tránh trẻ bị chó, mèo cắn, các gia đình nuôi chó, mèo tại nhà cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Ngoài ra, không thả rông vật nuôi, thả chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Đối với trường hợp nuôi nhốt chó, cần phải có vùng nuôi chó rõ ràng, cách xa khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng.

Khi trẻ bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết xước,… cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý các biện pháp sơ cứu, rửa vết thương, khẩn trương đưa trẻ bị chó (mèo) cắn đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể.

Bạch Yến, Đức Yên, Bích Hạnh, Anh Dũng