Ngày 7/11, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa (Đồng Nai) báo cáo trường hợp 2 trẻ nhỏ bị chó dại cắn.

6df9e5ca d47b 4f5b bb60 4b339397662e.png
Lực lượng chức năng tiêm vắc xin phòng dại cho chó ở Đồng Nai. Ảnh: P.A

Theo đó, gia đình ông L.D.H. (ngụ tại KP2, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) nuôi 2 con chó. Ngày 31/10, trong lúc chơi đùa, 2 bé L.D.M.V. và L.D.M.K. bị một con chó cắn.

Sau khi phát hiện vụ việc, gia đình tiến hành xử lý bước đầu đối với vết thương của trẻ và xích riêng con chó này để theo dõi.

Đến ngày 1/11, con chó có triệu chứng bỏ ăn, sợ ánh sáng. Gia đình đã đưa con vật tới phòng khám thú y gần nhà để điều trị. Tại đây, con chó có các biểu hiện cào xé, cắn chuồng, rất hung dữ.

Ngày 2/11, con chó chết. Sau đó, gia đình và phòng khám thú y đã báo cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai đến tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại. Kết quả cho thấy con vật dương tính với virus bệnh dại.

Theo ông H., cách đây 1 tháng, con chó này bị một con chó lạ cắn. Ngoài ra, con chó lạ cũng cắn 2 người dân khác nên đã bị đánh chết. Bởi vậy, không xác định được nguồn lây bệnh dại có phải từ con chó lạ này không.

Điều tra của Trung tâm Y tế TP Biên Hòa ghi nhận, khu vực xung quanh nhà ông H. có 9 hộ nuôi chó và đều thả rông nên nguy cơ lây lan bệnh dại rất cao.

Đây cũng là ổ dịch bệnh dại đầu tiên trên đàn chó tại TP Biên Hòa tính từ đầu năm đến nay. Trước đó, toàn tỉnh đã có 11 ổ dịch bệnh dại tại các huyện Nhơn Trạch, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom,...

Cần làm gì để đẩy lùi bệnh dại ở Việt Nam?

Cần làm gì để đẩy lùi bệnh dại ở Việt Nam?

Trong 9 tháng đầu năm 2023, thống kê từ Phòng Khám - Tư vấn tiêm chủng của Bệnh viện Nhi Trung ương, cho thấy tỷ lệ người bị chó mèo cắn đến tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.