Chương trình Không gian đối thoại với đề tài Vở diễn và công chúng do Ban Lý luận - phê bình Hội Sân khấu TPHCM tổ chức trước thềm Liên hoan Sân khấu Kịch nói TPHCM lần thứ I - 2024.

Từng có việc chủ sân khấu tấn công ban giám khảo liên hoan 

Nghệ sĩ Thành Lộc - đại diện Sân khấu kịch Thiên Đăng - trăn trở thực trạng nhiều vở diễn đoạt giải cao tại nhiều liên hoan sân khấu nhưng mang ra diễn không bán được vé.

"Nhiều vở đoạt thành tích cao ngời ngợi rồi đóng luôn, không diễn được nữa, bán vé không ai coi. Tôi bức xúc thực trạng này hơn 40 năm từ khi ra trường đến giờ, không hiểu vì sao các vở đó không có đời sống thực", Thành Lộc nói.

Cũng theo ông, một số giải thưởng phim trên thế giới quy định tác phẩm phải được trình chiếu tại rạp tối thiểu 1 tuần mới được tham gia. Điều này giúp đo được hiệu ứng, doanh thu và nhu cầu của công chúng.

Một số phim doanh thu không cao, sau khi đoạt giải được khán giả quan tâm, đổ xô ra rạp xem. Ông mong muốn liên hoan trong lĩnh vực sân khấu cũng làm được điều này.

W-MEITU_20241111_223052791.jpg
Nghệ sĩ Thành Lộc tại buổi gặp. 

Thành Lộc cũng không đồng tình quy định giới hạn thời lượng tác phẩm dự thi Liên hoan.

"Điều này giống việc tôi có đứa con cao 1,8m, bạn có đứa con cao 1,6m. Người ta yêu cầu tôi phải chặt đứa con mình xuống 1,6m mới được tham gia Liên hoan. Tiêu chí này dựa trên nghệ thuật hay sức khỏe của hội đồng nghệ thuật?", ông đặt vấn đề. 

Nghệ sĩ từng xem những vở kịch dài 6 tiếng nhưng khán giả vẫn say sưa dõi theo. Ông tin thời lượng không thể làm thước đo cho một tác phẩm nghệ thuật.

Thành Lộc nói thêm sân khấu ở TPHCM chủ yếu theo hình thức xã hội hóa, có màu sắc riêng nên phân khúc, đối tượng khán giả gần như không trùng nhau.

Vì vậy, các sân khấu hoạt động biệt lập kiểu "mạnh ai nấy sống", rất cần liên hoan làm sân chơi chung để giao lưu, học hỏi nhau cũng như tạo sự liên kết.

Về lý do nhiều năm vắng bóng tại các liên hoan, Thành Lộc sợ thi cử từ thời sinh viên.

"Mùa thi nào cũng có chuyện sao tôi 8 điểm còn bạn 9 điểm. Nhiều bạn ngày nay chắc không biết chuyện thủ trưởng các đơn vị cầm dao rượt ban giám khảo vì cho rằng bất công. Tôi sợ hãi vô cùng", NSƯT nói.  

W-MEITU_20241111_223035026.jpg
Nghệ sĩ Tuyết Thu góp mặt trong 3 vở tại Liên hoan. 

Vấn đề chấm điểm cũng khiến ông lưu tâm bởi sân khấu xã hội hóa làm kịch phục vụ đối tượng khán giả của đơn vị mình. "Nếu nói dựa trên tiêu chí nghệ thuật, thế nào mới là nghệ thuật? Vở trong mắt người này nghệ thuật, với người khác thì không, chấm làm sao?", nghệ sĩ gạo cội nêu.

Thành Lộc tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói TPHCM lần thứ I - 2024 vì nhận thấy tính chất hội hè, các đơn vị mang "con đẹp, con ngoan" khoe với nhau. 

Ông ước tính phần lớn nghệ sĩ sân khấu ở TPHCM đều xuất thân cùng trường. Liên hoan cũng là dịp đồng môn các thế hệ xem nhau đã làm được gì. 

Liên hoan ghi nhận

Nhân dịp có đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng - thành viên hội đồng nghệ thuật Liên hoan, Thành Lộc góp ý các giám khảo nên ngồi cùng khán giả xem và chấm thi. 

Việc hội đồng ngồi bàn riêng có đèn chiếu gây ảnh hưởng tâm lý của diễn viên lẫn trải nghiệm của khán giả.

W-466377839_442274985588217_7359352274828324743_n.jpg
NSƯT Vũ Xuân Trang góp ý Liên hoan. 

"Ở sân khấu, chúng ta nhắc nhở khán giả tắt đèn điện thoại nhưng hội đồng lại ngồi bàn riêng, đèn sáng choang như tự vả mặt mình", ông nói.

Trước góp ý của đại diện Sân khấu kịch Thiên Đăng, bà Ca Lê Hồng ghi nhận, sẽ trình bày đầy đủ với hội đồng trong buổi họp sắp tới. Theo bà, các đại diện sân khấu nên chủ động đề xuất ý kiến với hội đồng nghệ thuật, ban tổ chức Liên hoan. 

Ca Lê Hồng đồng tình các góp ý của Thành Lộc. Bà cũng muốn Liên hoan là nơi giao lưu, vui vẻ thay vì nặng tính thi thố, bị soi mói chất lượng nghệ thuật. 

NSƯT Vũ Xuân Trang - đại diện Sân khấu Xóm Kịch - cho rằng việc một tác phẩm phải "duyệt" 2 lần (phúc khảo và thẩm định) gây bất cập.

Hội đồng phúc khảo nói một đằng, hội đồng thẩm định góp ý một nẻo khiến đơn vị bối rối, không biết điều chỉnh tác phẩm thế nào.

Bà Ca Lê Hồng nói hội đồng phúc khảo góp ý để tác phẩm đảm bảo chất lượng trước khi ra mắt công chúng. Còn hoạt động thẩm định của hội đồng nghệ thuật thuần túy cho ý kiến, không bắt buộc hay can thiệp quan điểm nghệ thuật của các đơn vị. 

Liên hoan Sân khấu Kịch nói TPHCM lần thứ I - 2024 sẽ khai mạc vào tối 12/11. Đây là liên hoan của lĩnh vực sân khấu tại TPHCM sau gần 20 năm kể từ Liên hoan Sân khấu Mùa thu năm 1998, 2001 và Liên hoan Sân khấu xã hội hóa lần I năm 2006. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 12 - 29/11.

Ảnh: Loan Lê