- Mỗi người  có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, song lời khuyên chung của chuyên gia dinh dưỡng là không nên bỏ bữa sáng.

Không ăn sáng dễ tụt đường huyết

Mới đây, AuthorityNutrition dẫn một nghiên cứu mới cho thấy không có sự khác biệt về cân nặng, trao đổi chất giữa những người ăn sáng và không ăn, từ đó kết luận không cần ăn sáng.

Trước thông tin trên, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng câu chuyện có nên ăn sáng, ăn 3 bữa hay không và nên ăn bữa nào nhiều nhất vẫn được tranh cãi lâu nay vì mỗi nước một quan niệm. Tại Việt Nam, tỉ lệ bữa ăn phổ biến hiện nay 20-40-40.

{keywords}
TS dinh dưỡng Từ Ngữ. Ảnh: T.Hạnh

"Mục đích ăn là để có năng lượng hoạt động. Việc ăn 2 hay 3 bữa chỉ là 50/50 vì nó tùy thuộc vào cơ thể mỗi người, thời gian của mỗi cá nhân, tập quán mỗi nơi và điều kiện kinh tế của từng người", TS Từ Ngữ nói.

Theo ông, trẻ con, người già, bệnh nhân thường ăn nhiều bữa, theo nhu cầu của cơ thể. Do đó ăn 2 hay 3 bữa không quan trọng bằng việc ăn có đủ dinh dưỡng không. Nhiều người không ăn sáng nhưng bữa chính ăn nhiều đồ ngọt, ăn vặt, ăn nhiều thịt thì vẫn béo phì như thường.

"Với cá nhân tôi, tôi ủng hộ phương án ăn 3 bữa. Đơn giản là nếu nhịn bữa sáng, khoảng cách từ bữa tối hôm trước đến bữa trưa hôm sau kéo dài tới 15 tiếng, trong khi khoảng cách 2 bữa còn lại chỉ 6 tiếng. Về mặt sức khỏe như vậy là không tốt", TS Từ Ngữ phân tích.

Ông cũng cho rằng cơ thể mỗi người thường hoạt động tốt nhất vào buổi sáng, nếu không ăn sáng, cơ thể sẽ phải lấy đường dự trữ từ trong gan. Do vậy nếu bữa cách quá xa, đường trong gan sử dụng hết, cơ thể sẽ rệu rã, mệt mỏi, làm việc không hiệu quả. Trong thực tế, nhiều người nhịn ăn sáng khi đi làm, đến lớp đã bị tụt đường huyết, ngất.

"Chưa kể nhịn ăn sáng cũng có thể làm tăng nguy cơ đau dạ dày. Nếu không ăn sáng, dạ dày đã hết thức ăn nhưng dịch vị vẫn tiết ra, lâu ngày tích tụ lại có thể làm hại thành dạ dày", TS Từ Ngữ nói thêm.

{keywords}
TS Từ Ngữ cho biết, bữa sáng của ông không quá câu nệ, thường ăn phở, bún, xôi...

TS Từ Ngữ lưu ý, với người béo phì, càng cần ăn đủ 3 bữa nhưng bữa sáng nên ăn thực phẩm ít năng lượng, hạn chế tinh bột, dầu mỡ, ăn nhiều rau quả và nên bỏ đường.

Với bản thân, TS Từ Ngữ cho biết ông thường không câu nệ, tiện gì ăn đó, có khi đạp xe thể dục rồi ăn phở ven đường, khi ăn xôi, ăn mỳ... Nhưng cũng có khi thứ 7, chủ nhật không thích có thể nhịn. Ông gọi cái này là còn tùy thuộc và độ "khoái khẩu" của mỗi người.

Ít tinh bột

Dù cho rằng mỗi người có cơ địa và nhu cầu khác nhau, song ThS.BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyên mọi người không nên bỏ ăn sáng.

"Ăn sáng bao giờ cũng tốt hơn, ăn mới có năng lượng để làm việc nhưng nên ăn sáng vừa phải, dinh dưỡng cân đối cho bữa sáng nên ở mức 30%", bà Hải khuyên.

{keywords}
Ths.BS Lê Thị Hải

BS Hải cho rằng nhiều người có quan niệm không dám ăn sáng vì sợ béo. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bắt nguồn từ việc nhiều người nhịn ăn sáng nhưng lại ăn bù quá nhiều dinh dưỡng vào bữa trưa và bữa tối khiến cơ thể bị "bội thực".

"Nhiều người ăn sáng nhưng ăn quá nhiều bữa trưa, tối thì vẫn béo như thường", bà Hải phân tích.

"Ở đây không phải ăn hay không mà ăn như thế nào, lượng thức ăn đưa vào bao nhiêu mới là quan trọng. Bản thân tôi, hễ cứ nấu phở, nấu mì, ăn cơm sáng đều đặn một thời gian là kiểu gì cũng lên cân nên vẫn ăn sáng nhưng tôi ăn ít tinh bột đi", BS Hải chia sẻ.

Thúy Hạnh