Theo Wall Street Journal, tiền từ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã được sử dụng cho việc tích tụ kho dự trữ nhôm khổng lồ chu du qua nhiều quốc gia trên thế giới và một trong số đó đang ‘đậu’ tại Việt Nam.

5 tỷ USD nhôm của tỷ phú Trung Quốc tập kết tại Việt Nam

Năm 2016, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin tỷ phú người Trung Quốc Liu Zhongtian bị cáo buộc giấu gần 1 triệu tấn nhôm, bên trong một “pháo đài” được bảo vệ nghiêm ngặt với hàng rào dây thép gai nằm sâu bên trong sa mạc Mexico.
{keywords}

Tỷ phú Liu Zhongtian, Chủ tịch China Zhongwang Holdings.

Đến tháng 12, tờ báo này lại đưa tin kho nhôm bí ẩn này đã được chuyển về Việt Nam, cụ thể là tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hành trình kho nhôm từ Mexico tới Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam từ hai nước Trung Quốc và Mỹ.

Cụ thể, tính đến tháng 8/2016, 65% kim ngạch xuất khẩu nhôm ép của Mỹ có điểm đến là Việt Nam, trong khi năm 2015 con số này chưa tới 3%, theo dữ liệu của ông ty Dịch vụ Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS). Dữ liệu nhập khẩu cho thấy một lượng lớn nhôm nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam năm 2016 đến từ công ty Perfectus Aluminum Inc - công ty được thành lập bởi con trai của tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian.

Perfectus từng được sở hữu bởi con trai ông Liu, còn giờ đây được quản lý bởi Jacky Cheung, một đối tác kinh doanh của ông Liu. Ông Cheung còn là đồng sở hữu của Global Vietnam Aluminum Co (Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam), công ty quản lý nhà máy ở Vũng Tàu, nơi một phần số nhôm nguồn gốc Mexico đang được cất giữ.

{keywords}

Kho nhôm khổng lồ 500.000 tấn được vận chuyển từ Mexico sang Việt Nam và được phủ bạt ở Vũng Tàu. Ảnh: WSJ

Tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam ở Vũng Tàu, nhóm điều tra cũng đã phát hiện những kho hàng khổng lồ được phủ bạt đen, canh giữ bởi nhân viên an ninh tuần tra bằng xe máy, mang theo dùi cui... Lượng hàng lớn bất thường này được cho là chuyển từ Mexico sang và gây lo ngại về những ảnh hưởng tới thị trường và giá nhôm thế giới.

Nhôm ép của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế lên tới 374%, trong khi Việt Nam chỉ phải chịu thuế 5%.

Công ty Nhôm Toàn cầu là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất nhôm định hình với công xuất 200.000 tấn một năm. Dự án này do 2 người gốc Trung Quốc, quốc tịch Australia là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong rót vốn 5.000 tỷ đồng (khoảng 250 triệu USD), toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu. Theo giấy phép đầu tư do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ 2011.

Tuy nhiên, theo WSJ, đứng sau dự án trên là China Zhongwang - một trong những tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất thế giới của Trung Quốc thuộc sự quản lý của tỷ phú Liu Zhongtian (có tài sản gần 3 tỷ USD, theo Forbes).

WSJ cũng cho hay, luật sư của ông Liu đã viết trong một email năm 2012 rằng tỷ phú Trung Quốc đang lên kế hoạch nghỉ hưu tại Thụy Sĩ bằng cách chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc, khi chính phủ nước này chỉ cho phép công dân chuyển một lượng tiền nhất định ra khỏi đất nước.

Ông Liu và China Zhongwang đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc liên quan tới kho dự trữ nhôm ở cả Mexico và Việt Nam. Họ cho rằng không vi phạm pháp luật.

China Zhongwang cũng cho hay họ không hề biết về vị luật sư hay email của luật sư này với nội dung về việc nghỉ hưu của ông Liu. Công ty luật của luật sư này nói rằng công ty không còn đại diện cho ông Liu nữa

Trước những khiếu nại về kho nhôm khổng lồ này, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang xem xét liệu các công ty liên quan đến ông Liu và China Zhongwang có vi phạm dân sự hay hình sự thông qua việc chuyển kho nhôm qua Mexico để che giấu nguồn gốc nhôm Trung Quốc nhằm tránh thuế hay không, theo hồ sơ tòa án và những người quen thuộc với cuộc điều tra nói với WSJ.

{keywords}

Ảnh nhìn từ trên không kho dự trữ nhôm của tỷ phú Trung Quốc tại Mexico vào năm 2014.

Ông Liu và công ty của ông cho biết việc sản xuất, vận chuyển và dự trữ một số lượng lớn kim loại là rất tốn kém. Theo hồ sơ cung cấp cho WSJ, lượng nhôm trị giá khoảng 5 tỷ USD từ các công ty có liên quan đến ông Liu đã được tập kết tại kho dự trữ ở Việt Nam.

Tiền từ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

Tuy nhiên, cũng theo WSJ, với số tiền từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Trung Quốc rót vào thì việc sản xuất, vận chuyển và dự trữ lượng nhôm lớn như vậy sẽ khả thi hơn.

Mạng lưới phức tạp các giao dịch liên quan đến DNNN Trung Quốc và các công ty liên kết với ông Liu - đã được vạch ra trong các tài liệu và email và được xác nhận bởi những người có kiến ​​thức về vụ này.

Tài liệu chỉ ra phương thức mà ông Liu có thể tích lũy được nhiều kim loại bên ngoài Trung Quốc như vậy, theo WSJ.

Việc tiếp cận nguồn tài trợ từ các DNNN đã giúp các công ty liên quan đến ông Liu mua nhôm của China Zhongwang và vận chuyển đến Mexico, những người quen thuộc với vấn đề này nói.

Trong một số trường hợp khác, hợp đồng với các DNNN sẽ cung cấp tiền mặt cho người trung gian sử dụng để mua nhôm của China Zhongwang và gửi ra nước ngoài cho các công ty liên quan đến ông Liu và gia đình ông. Ngoài ra, bằng một phương thức khác, cá DNNN bán nhôm trực tiếp cho người trung gian của ông Liu.

Thông qua các giao dịch như vậy, ông Liu có thể duy trì quyền kiểm soát nhôm trong khi che giấu nguồn gốc Trung Quốc.

Theo các tài liệu được WSJ xem xét và những người quen thuộc với vấn đề này, nguồn tiền đổ vào kho nhôm được vận chuyển từ Trung Quốc đến Mexico có liên quan đến 3 DNNN Trung Quốc thuộc ngành điện tử và công nghiệp bao gồm: CEIEC Ltd., Great Dynasty và China Machinery & Equipment Co.

Thủ thuật rót tiền tinh vi

China Machinery cho biết họ đã ký các hợp đồng mua sắm máy móc cho các công ty thành viên của China Zhongwang, và đây nói là "hoạt động kinh doanh thương mại thông thường". Công ty cho biết đã tuân thủ tất cả luật và quy định về hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, CEIEC và Great Dynasty đều từ chối bình luận.

Vào tháng 10/2011, theo một thông cáo báo chí phát đi từ China Zhongwang, công ty này cho biết đã ký một thỏa thuận trị giá 3,8 tỷ USD với 3 DNNN Trung Quốc để xây dựng một nhà máy sản xuất nhôm mới ở bên ngoài Bắc Kinh.

Cũng trong tháng đó, China Zhongwang ký một hợp đồng khác với thương gia Mỹ là Eric Shen, cho phép ông này kiểm soát việc sử dụng tiền mặt từ hợp đồng nhà máy. Ông Shen nói trong một phiên tòa rằng ông đã giúp ông Liu chuyển nhôm qua các nước trên thế giới tránh thuế quan. Ông Liu phủ nhận việc có quan hệ kinh doanh với ông Shen.

Theo một thoả thuận riêng được WSJ xem xét, các DNNN này đã đồng ý thanh toán cho các công ty của ông Shen tìm và mua sắm thiết bị cho nhà máy. Các công ty này đồng ý trang bị lại cho nhà máy nhôm và được China Zhongwang bồi hoàn.

{keywords}

Số lượng nhôm rất lớn đã được lưu trữ tại một xưởng sản xuất của Mexico vào năm ngoái. Ảnh: WSJ

Tuy nhiên, công ty của ông Shen lại không mua máy móc, thay vào đó, phần lớn tiền mặt được sử dụng để mua nhôm của chính China Zhongwang với một khoản tiền được phép sử dụng theo các điều khoản mở rộng giữa các bên.

Việc dàn xếp để ông Shen có thể mua nhôm được thực hiện theo nhiều cách.

Ví dụ, hóa đơn được WSJ xem xét cho thấy 2 trong số 3 DNNN này là CEIEC và Great Dynasty, đã bán hơn 1.400 tấn nhôm trị giá 7 triệu USD vào cuối năm 2012 cho GT88 Capital. Theo luật sư của ông Liu, GT88 Capital là một công ty kinh doanh của Singapore do ông Shen điều hành và công ty mẹ do ông Liu làm chủ sở hữu.

Tuy nhiên, tỷ phú Liu phủ nhận mọi mối quan hệ với các công ty do ông Shen điều hành. China Zhongwang cũng nói rằng họ không bất kỳ hồ sơ này về thỏa thuận với ông Shen hay các thoả thuận giữa ông Shen và các DNNN Trung Quốc.

Chữ ký của ông Shen và một Giám đốc điều hành của China Zhongwang là Chen Yan đã xuất hiện trong một hợp đồng cho phép ông Shen giải ngân nguồn tiền từ các DNNN.

Các email được WSJ thu thập cho thấy ông Chen đã phối hợp với một cộng sự của ông Shen để thực hiện hợp đồng. "Đây là chi tiết thanh toán", cộng sự này viết trong một email ngày 24/10/2011 gửi cho ông Chen. "Tốt hơn là nên chuyển 1 triệu trước, và chuyển phần còn lại nếu mọi việc suôn sẻ".

Một phát ngôn viên của China Zhongwang nói rằng cả công ty, cũng như ông Chen và ông Liu đều không gửi tiền cho ông Shen hay các công ty của ông này.

Tuy nhiên, Jason Liang thuộc công ty luật Los Angeles, Liang Ly LLP, đại diện cho ông Shen trong một số vụ kiện của tòa án Mỹ, cho biết: "Các giao dịch đã được hoàn thành theo thỏa thuận bằng văn bản được đưa vào năm 2011 giữa các công ty của ông Shen, China Zhongwang và 3 DNNN Trung Quốc" có liên quan đến các hoạt động kinh doanh nhôm, và một phần số nhôm đã được đổ vào kho dự trữ khổng lồ hiện nay tại Việt Nam.

Ông Liu đã bán "hàng trăm nghìn tấn các sản phẩm nhôm và xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng cách sử dụng những người mua nhôm từ China Zhongwang của ông Liu với kinh phí do chính ông Liu cung cấp", ông Shen nói trong một đơn khiếu nại đệ trình lên Tòa án dân sự quận Cam.

Ông Shen đang bị kiện trong một vụ kiện về việc phá vỡ thỏa thuận xây dựng một nhà máy nhôm ở California. Nguyên đơn là một công ty thuộc sở hữu của một người đàn ông có quan hệ với ông Liu.

{keywords}

Hải quan Mỹ đã thu giữ lượng nhôm trị giá 25 triệu USD của công ty Perfectus Aluminum, công ty được thành lập bởi con trai của tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian.

Đầu năm 2017, Hải quan Mỹ đã thu giữ lô hàng nhôm trị giá 25 triệu USD có liên quan đến ông trùm ngành sản xuất nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian. Đây được xem là động thái mạnh tay nhất từ trước đến nay của chính phủ liên bang Mỹ, nhằm điều tra xem liệu có hay không việc các công ty Mỹ thông đồng với Liu Zhongtian, để giúp mặt hàng nhôm Trung Quốc trốn thuế chống phá giá của Mỹ, bằng cách đưa số kim loại này đi vòng vèo qua nhiều nước để giấu xuất xứ.

Tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành kiểm tra Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam - nơi một phần số nhôm nguồn gốc Mexico đang được cất giữ, trong tháng 5/2017 nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết vào ngày 28/12/2016, đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan đã đến công ty để làm việc, thu thập thông tin, tài liệu liên quan nhằm làm rõ thông tin vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam. Việc kiểm tra này hiện vẫn được thực hiện.

Tiếp đến ngày 18/4, doanh nghiệp đã nhận được văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu do Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp (A85) ban hành.

Lãnh đạo Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam cho rằng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, việc liên tục phải tiếp đón và chuẩn bị rất nhiều hồ sơ cho các đoàn kiểm tra đến làm việc như vậy gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vậy, công ty đề nghị Phó Thủ tướng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp tục làm việc với đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan và sử dụng kết luận do đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan làm căn cứ đánh giá thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.

(Theo WSJ/ Đầu tư Tài chính)