Hiện nay, terbium được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc. Với những rủi ro về địa chính trị, việc thu mua terbium ổn định trong trung và dài hạn có thể sẽ là một vấn đề đối với nhiều công ty Nhật Bản.

Công ty nghiên cứu Fuji Keizai ở Tokyo ước tính rằng sản xuất xe điện toàn cầu sẽ tăng gấp 8 lần trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2030. (Ảnh: Nikkei)

Chính vì vậy, phát minh nam châm mới của Proterial, một công ty đến từ Nhật Bản có thể làm giảm lượng terbium sử dụng trong khâu nguyên liệu sản xuất, giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất xe điện.

Terbium, một trong những nguyên tố đất hiếm nặng, tăng cường khả năng chịu nhiệt khi thêm vào nam châm. Việc tìm kiếm các đầu mối nguồn cung terbium trở nên khó khăn hơn do nguyên tố này chủ yếu do Trung Quốc sản xuất.

Thậm chí, để mua được terbium còn khó hơn cả các nguyên tố đất hiếm nhẹ, bao gồm cả neodymium, cũng được sử dụng trong nam châm cho động cơ điện.

Theo Proterial, terbium chiếm từ 0,5-1% vật liệu làm nam châm neodymium, thường được sử dụng trong động cơ điện. Công ty đã phát triển thành công công nghệ duy trì hiệu suất của nam châm ngay cả khi tỷ lệ này giảm xuống khoảng 0,1-0,2%.

Các nhà nghiên cứu của Proterial phát hiện ra rằng khả năng chịu nhiệt của nam châm có thể tăng lên ngay cả khi lượng terbium bị giảm bằng cách điều chỉnh các thành phần trong các lớp giữa các hạt từ mạnh tạo nên nam châm.

Proterial cũng đã thiết lập công nghệ sản xuất hàng loạt nam châm mới. Họ đặt mục tiêu giao xe điện đầu tiên vào khoảng năm 2027, sau khi được khách hàng đánh giá.

Công ty cũng có kế hoạch bán nam châm cho các mục đích khác, vì nam châm neodymium được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm cả mô tơ điện trong máy điều hòa không khí. Theo công ty, chi phí sản xuất nam châm mới không cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường, mặc dù chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi giá bán của terbium.

Phát minh nam châm mới của Proterial sẽ giúp ngành công nghiệp xe điện giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. (Ảnh: Autonews)

Công ty nghiên cứu Fuji Keizai của Tokyo ước tính rằng sản xuất xe điện toàn cầu sẽ tăng gấp 8 lần trong giai đoạn từ 2021 đến 2030. Khi nhu cầu về kim loại đất hiếm được sử dụng trong xe điện tăng lên và các nhà sản xuất tìm cách đảm bảo nguồn thu mua ổn định, việc giảm số lượng terbium sử dụng trong quá trình sản xuất sẽ trở nên quan trọng.

Vào đầu tháng 8, Bắc Kinh đã đưa ra biện pháp hạn chế xuất khẩu các sản phẩm sử dụng hai kim loại germanium và gallium, là những kim loại đất hiếm được sử dụng trong các sản phẩm bán dẫn. Năm 2010, nước này cũng đã hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Nhật Bản.

Do đó, đầu năm ngoái, công ty thương mại Nhật Bản Sojitz và Tổ chức An ninh Kim loại và Năng lượng Nhật Bản (JOGMEC), đã chuyển hướng mua tài nguyên đất hiếm do Lynas Rare Earths của Úc sản xuất. Những động thái này của các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung có thể gia tăng bất cứ lúc nào.

Theo Nikkei

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!